Nga – Ukraine “giằng co” kiểm soát bầu trời

Thứ Hai, 07/11/2022 22:54

|

​(CAO) Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đều không thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn bầu trời Ukraine.

Trong khi lực lượng không quân của Nga vượt xa Ukraine, cả về quy mô và độ tinh vi, Nga đã sử dụng đến việc phóng tên lửa hành trình và đạn đạo tầm xa, gần đây được tăng cường bởi các máy bay không người lái được sản xuất hàng loạt của Iran.

Ukraine trong khi đó đã có một số thành công trong việc bắn hạ nhiều chiếc trong số này, nhưng những chiếc lọt qua được lưới phòng không đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng điện và nước của Ukraine, ngay khi mùa đông đang bắt đầu.

Và giờ đây, một báo cáo mới đang cảnh báo rằng Ukraine có nguy cơ cạn kiệt vũ khí cần thiết để ngăn chặn các cuộc không kích lớn của Nga.

Báo cáo của Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh (Rusi) có trụ sở tại London, cảnh báo rằng trừ khi các quốc gia phương Tây duy trì và tăng cường cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine mới có thể ngăn được Nga sử dụng các kỹ thuật ném bom tương tự mà họ đã sử dụng ở Syria.

Nga đã không kích nhiều vùng ở Ukraine - Ảnh: BBC

Nga đã đưa tướng Sergei Surovikin theo đường lối cứng rắn chỉ huy chiến dịch Ukraine, cũng chính là vị tướng đã giám sát các cuộc ném bom dữ dội vào các thành phố như Aleppo.

Các chuyên gia vũ khí của Rusi đã dành nhiều tháng trên mặt đất ở Ukraine, phỏng vấn các sĩ quan tình báo quân sự và các chuyên gia phòng không, cũng như kiểm tra phần còn lại của các hệ thống tên lửa Nga bị bắn rơi.

Các bệ phóng tên lửa nhỏ, cơ động được gọi là MANPAD đã đóng một vai trò ở đây, cùng với các hệ thống lớn hơn như hệ thống phòng không tự hành Gepard do Đức cung cấp.

Tác giả chính của báo cáo, Justin Bronk, nói với BBC rằng thứ mà Ukraine thực sự thiếu là các máy bay chiến đấu đa năng, hiện đại để giữ chân lực lượng không quân Nga. Ông gợi ý một khả năng là máy bay chiến đấu F16 của NATO, trong đó hàng nghìn chiếc đã được chế tạo.

Nhưng hạn chế ở đây là nó cần những đường băng dài, nguyên sơ, dễ bị Nga nhắm tới. Theo ông, một ứng cử viên khác là máy bay Grippen của Thụy Điển có thể hoạt động từ các căn cứ nhỏ và kín đáo.

Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây đã cảnh giác với việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí mạnh đến mức có thể kích động Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện hành động quyết liệt hơn nữa.

Cho đến nay, vũ khí do NATO cung cấp gần như đều dành cho các mục đích phòng thủ được xác định rõ ràng, chẳng hạn như đẩy lùi pháo binh Nga, phục kích các xe tăng hoặc bắn máy bay không người lái tấn công từ trên bầu trời. Việc gửi các máy bay chiến đấu tiên tiến sẽ là một bước tiến lớn, có nguy cơ gây leo thang căng thẳng giữa Moscow và phương Tây.

Tuy nhiên, báo cáo của RUSI kêu gọi phương Tây không nên tự mãn về vấn đề phòng không của Ukraine. Việc tiếp tế cho hệ thống phòng thủ của Ukraine giờ là vấn đề cấp bách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang