(CAO) Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các lực lượng Nga diễn tập triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, như một phần của cuộc tập trận quân sự nhằm đáp trả điều mà ông gọi là “mối đe dọa” từ phương Tây.
Kể từ khi thực hiện 'chiến dịch quân sự đặc biệt' tại Ukraine vào năm 2022, ông Putin đã nhiều lần phát biểu liên quan vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng hôm 6/5 đánh dấu lần đầu tiên Nga công khai tuyên bố diễn tập.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Trong cuộc diễn tập, một loạt biện pháp sẽ được thực hiện để thực hành các vấn đề chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược”.
Vũ khí hạt nhân phi chiến lược hoặc “chiến thuật” có thể được sử dụng trong các tình huống chiến trường, mang theo ít năng lượng hơn vũ khí hạt nhân chiến lược, loại vũ khí có khả năng san bằng toàn bộ một thành phố.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc diễn tập được tiến hành sau “những tuyên bố khiêu khích và đe dọa” của các quan chức phương Tây chống lại Nga, mà người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đã đạt đến “mức độ chưa từng có”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước tái khẳng định rằng ông sẽ không loại trừ việc gửi quân đội phương Tây tới Ukraine, đồng thời cảnh báo về những rủi ro mà Nga gây ra cho an ninh châu Âu và các quốc gia khác gần biên giới nước này.
“Tôi không loại trừ bất cứ điều gì, bởi vì chúng ta đang đối mặt với một người không loại trừ bất cứ điều gì”, ông Macron nói với tạp chí The Economist. “Tôi có mục tiêu chiến lược rõ ràng: Nga không thể thắng ở Ukraine. Nếu Nga thắng ở Ukraine, an ninh ở châu Âu ảnh hưởng”.
Tổng thống Nga Putin
Và trong chuyến thăm Ukraine tuần trước, Ngoại trưởng Anh David Cameron nói rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.
“Xét về những gì người Ukraine làm, theo quan điểm của chúng tôi, đó là quyết định của họ về cách sử dụng những vũ khí này. Họ đang bảo vệ đất nước của họ”, ông Cameron nói với các phóng viên sau khi Vương quốc Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Thông báo về cuộc diễn tập cũng được đưa ra ngay sau khi Hoa Kỳ vào tháng trước thông qua gói viện trợ cho Kiev, vốn sẽ cho phép các thiết bị quân sự vô cùng cần thiết được chuyển đến Ukraine khi nước này cố gắng củng cố tiền tuyến trước những cuộc tấn công dữ dội từ Nga.
Các lực lượng Nga tháng trước đã giành được nhiều thắng lợi hơn nữa tại ít nhất ba địa điểm dọc theo mặt trận phía đông Ukraine, trong bối cảnh Moscow cố gắng tận dụng lợi thế về nhân lực và vũ khí trước khi phần lớn viện trợ của Mỹ đến Ukraine.
Vào tháng 2 năm ngoái, Putin tuyên bố Nga sẽ đình chỉ tham gia hiệp ước START mới, một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân quan trọng với Mỹ, hiệp ước cuối cùng còn lại quản lý hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Ông Putin cho biết Nga sẽ không phải là nước đầu tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân nhưng sẽ làm như vậy trong trường hợp Mỹ thử nghiệm.
Sau khi ông Macron tuyên bố vào tháng 2 rằng không thể loại trừ việc gửi quân đội phương Tây đến Ukraine, ông Putin đã cảnh báo “điều này thực sự đe dọa một cuộc xung đột liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân và do đó sẽ hủy diệt nền văn minh”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức Bộ Ngoại giao trước đây đã hạ thấp lo ngại rằng ông Putin có thể triển khai vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn tiếp tục xem xét các mối đe dọa một cách nghiêm túc.
Đáp lại thông báo mới nhất của Nga, Mỹ cho biết họ không thấy có thay đổi nào trong “thế trận lực lượng chiến lược” của Nga sau thông báo của Moscow rằng Nga sẽ bắt đầu các cuộc diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo người phát ngôn Lầu Năm Góc - Thiếu tướng Patrick Ryder.
Trong thông báo hôm 6/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Bộ Tổng tham mưu quân đội đã bắt đầu chuẩn bị tiến hành “các cuộc diễn tập trong tương lai gần với đội hình tên lửa của quân khu phía Nam có sự tham gia của lực lượng hàng không cũng như hải quân”.