(CAO) Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa phá vỡ các chuẩn mực ngoại giao khi ủng hộ sự chiếm đóng của chính quyền Israel ở cao nguyên Golan. Động thái này bị các chuyên gia cảnh báo sẽ tạo tiền lệ để các nước khác lấy đó biện minh cho chủ nghĩa bành trướng của mình.
Israel chiếm cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 và bắt đầu sáp nhập nó vào lãnh thổ từ năm 1981 đến nay. Cộng đồng quốc tế không chấp nhận động thái này và hy vọng vùng lãnh thổ này có thể trở thành nơi chốt một thoả thuận hoà bình trong tương lai giữa hai nước.
Tuy nhiên Trump trong dòng trạng thái trên Twitter cho rằng “Nay đã là thời điểm Mỹ hoàn toàn công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel”.
Động thái này khiến nhiều đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp “choáng váng”. Họ vẫn đang cân nhắc xem cao nguyên Golan là vùng đất bị “chiếm đóng” của Israel.
AFP dẫn lời Richard Haass – Chủ tịch Hội đồng Quan hệ quốc tế cho rằng động thái này có thể xé bỏ nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua sau cuộc chiến 6 ngày và nhấn mạnh “sự bất khả thi của việc giành lại lãnh thổ bằng chiến tranh”.
Trump (trái) và thủ tướng Israel- Netanyahu - Ảnh: AFP
Nghị quyết này là nguyên tắc cơ bản nhất của trật tự quốc tế và là cơ sở cho sự phản đối của Mỹ đối với cuộc chinh phạt của Saddam đối với Kuwait", ông Richard Haass nhấn mạnh, đề cập đến Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 trong đó một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã giải phóng Kuwait.
Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Mỹ bác bỏ các công ước quốc tế. Vào tháng 12 năm 2017, ông Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, hoàn thành một “mục tiêu lớn” cho nhà nước Do Thái.
Chỉ trích trước bước đi công nhận cao nguyên Golan, cựu Ngoại trưởng Thuỵ Điển - Carl Bildt nhấn mạnh Trump đã đưa luật pháp trở về thành “luật rừng”.
Vị cựu ngoại trưởng nhấn mạnh: “Đây là một tiền lệ tồi tệ khởi phát từ chính nền tảng của luật pháp quốc tế. Điện Kremlin sẽ hoan nghênh và áp dụng nguyên tắc tương tự đối với Crimea...”.
Syria và đồng minh Iran dự kiến sẽ tố cáo hành động của Trump. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan – trong khi đó lo sợ về sự tan vỡ lãnh thổ của Syria, theo đó người Kurd có thể tìm kiếm một nền độc lập sau quyết định này. Ông cho rằng Trump đã tạo ra một "cuộc khủng hoảng mới" và kêu gọi sự can thiệp của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo.
Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ cũng lo lắng về những tác động. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong một thông cáo rằng việc công nhận chủ quyền của Israel ở Golan "sẽ trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là nghĩa vụ đối với các quốc gia không công nhận tình huống bất hợp pháp”.
Du khách đứng trên một mỏm núi ở cao nguyên Golan - Ảnh: AFP
Steven Cook, một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho rằng sự công nhận của Mỹ chỉ gây ra làn sóng phản đối mới đối với sự kiểm soát lâu dài của Israel đối với Golan, nơi 20.000 người đang định cư sinh sống.
"Trên thực tế, không cần phải công nhận. Israel đã hiện diện ở cao nguyên Golan vì những lý do riêng và không có điều gì chính quyền Trump quyết định sẽ có thể làm thay đổi điều đó", ông viết.
Chuyên gia Ilan Goldenberg thuộc Trung tâm vì an ninh của một nước Mỹ mới, trong khi đó cho rằng quyết định của ông Trump "chỉ tổ chọc vào tổ ong không cần chọc”. Ngoài ra, theo Goldenberg, điều này khiến Mỹ khá khó khăn để tiếp tục tranh luận về việc sáp nhập Crimea của Nga.
Theo AFP, Anh Duy lược dịch