(CAO) Hôm 2-4, CNN đưa tin Cơ quan Hàng không, Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lên án việc Ấn Độ mới đây cho bắn thử nghiệm vệ tinh ngoài không gian.
Theo NASA, việc làm này là một việc làm “tồi tệ” vì vệ tinh bị bắn hạ sẽ tạo ra ít nhất 400 mảnh vỡ bay lơ lửng trong quỹ đạo của Trái Đất. Những mảnh rác vũ trụ bay lơ lửng này khiến Trạm không gian quốc tế (ISS) và các phi hành gia có mặt ở đó đối mặt với nguy hiểm.
Quản trị viên của NASA - Jim Bridenstine nhấn mạnh: “Điều này không thể chấp nhận đối với chúng tôi khi cho phép người khác tạo ra những mảnh vỡ gây nguy hại cho mọi người”.
Trước đó vào hôm 27-3, thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi thông báo nước của ông đã đạt được “bước tiến lịch sử” bằng cách bắn hạ một vệ tinh bay ở tầng thấp quỹ đạo với một quả tên lửa đất đối không gian.
Quản trị viên của NASA - Jim Bridenstine - Ảnh: Getty
Hiện nay chỉ có 3 quốc gia khác có tên lửa có khả năng bắn hạ vệ tinh là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong một thông cáo cho biết cuộc thử nghiệm được tiến hành ở tầng thấp của khí quyển để đảm bảo không tạo ra các mảnh vỡ không gian.
Tuy nhiên theo Bridenstine, vụ thử của Ấn Độ đã làm tăng nguy cơ tạo ra các mảnh vỡ nhỏ có khả năng va trúng trạm không gian ISS với xác xuất lên đến 44%.
Hiện nay NASA đang theo dõi 23.000 mảnh vỡ có kích thước 10cm lơ lửng trong quỹ đạo hoặc lớn hơn.