(CAO) Hôm 7/8, BBC đưa tin người đoạt giải Nobel Hoà bình - ông Muhammad Yunus - một đối thủ chính trị lâu năm của thủ tướng Bangladesh bị lật đổ Sheikh Hasina, đã được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo lâm thời của đất nước.
Ông Yunus 84 tuổi được bổ nhiệm một ngày sau khi bà Hasina rời khỏi đất nước sau nhiều tuần biểu tình đẫm máu kêu gọi bà từ chức.
Những sinh viên lãnh đạo các cuộc biểu tình lớn lật đổ bà Hasina đã từ chối chấp nhận một chính phủ do quân đội lãnh đạo và thúc giục ông Yunus lãnh đạo chính quyền lâm thời.
Quyết định bổ nhiệm Giáo sư Yunus làm cố vấn trưởng của chính phủ lâm thời diễn ra sau cuộc họp giữa Tổng thống Mohammed Shahabuddin, các nhà lãnh đạo quân đội và các nhà lãnh đạo biểu tình sinh viên.
"Khi những sinh viên đã hy sinh quá nhiều yêu cầu tôi vào thời điểm khó khăn này, làm sao tôi có thể từ chối?" - Giáo sư Yunus nhấn mạnh.
Ông đang trở về Dhaka từ Paris, nơi ông đang trải qua một thủ thuật y khoa nhỏ, người phát ngôn của ông cho biết.
Các cuộc biểu tình ở Bangladesh bắt đầu vào đầu tháng 7 với yêu cầu của sinh viên đại học về việc bãi bỏ hạn ngạch trong các công việc của viên chức nhà nước, nhưng sau đó đã lan rộng thành một phong trào chống chính phủ rộng lớn hơn.
Tổng cộng, hơn 400 người được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ và người biểu tình.
Ông Muhammad Yunus - Ảnh: Getty
Vài giờ trước khi những người biểu tình xông vào và cướp phá dinh thự chính thức của cựu Thủ tướng tại thủ đô Dhaka, bà Hasina đã từ chức và sang nước láng giềng Ấn Độ. Điều đó đã chấm dứt nhanh chóng và đột ngột gần 15 năm lãnh đạo của bà.
Ngay cả khi nền kinh tế Bangladesh tăng trưởng trong thập kỷ qua, cựu thủ tướng Hasina vẫn phải chịu nhiều chỉ trích vì nhiều vấn đề trong đó có tình trạng thất nghiệp của sinh viên.
Bà Hasina vẫn ở Ấn Độ nhưng chưa rõ liệu đó có phải là điểm đến cuối cùng của bà hay không. Các nhà phân tích tin rằng điều đó là không thể mặc dù bà từng là đồng minh thân cận của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ấn Độ, quốc gia có chung đường biên giới dài 4.096 km với Bangladesh sẽ không muốn gây mất lòng chính phủ mới ở Dhaka. Bộ trưởng ngoại giao S Jaishankar cho biết Delhi đã triển khai thêm quân dọc biên giới.
Các nhà lãnh đạo nước ngoài đã kêu gọi Bangladesh duy trì nền dân chủ sau khi công bố việc bổ nhiệm giáo sư Yunus.
"Bất kỳ quyết định nào mà chính phủ lâm thời đưa ra, họ cần phải tôn trọng các nguyên tắc dân chủ... để duy trì pháp quyền và phản ánh ý chí của người dân" - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.
Bộ trưởng ngoại giao Úc Penny Wong trong khi đó đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực và "tôn trọng các quyền phổ quát".