(CAO) Màn pháo hoa đủ sắc màu vút lên bầu trời phía trên nhà hát Opera ở cầu cảng Sydney (Úc) đón khoảnh khắc giao thừa 2020 sang 2021 như truyền thống của mọi năm, nhưng bến cảng bên dưới vắng bóng người vì lệnh giãn cách của chính quyền để chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, không một màn trình diễn ánh sáng nào sẽ được chiếu sáng ở Bắc Kinh từ đỉnh tháp đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Những con sư tử ở Quảng trường Trafalgar của London sẽ bị rào lại, cũng như Quảng trường Đỏ ở Moscow cũng bị phong toả. Ở Rome, đám đông sẽ không tụ tập ở Quảng trường St Peter vì Giáo hoàng sẽ không chủ trì Thánh lễ giao thừa.
Quả bóng giao thừa sẽ được thả trên sân khấu kịch Broadway. Trong khi thay vì hàng trăm nghìn người dân New York kề vai xem quả cầu pha lê được thả xuống ở Quảng trường Thời đại, New York -Mỹ, khán giả năm nay sẽ là một nhóm nhỏ được lựa chọn trước gồm các y tá, bác sĩ và những nhân viên chủ chốt khác, thành viên gia đình của họ xem cảnh tượng này bằng cách đứng nhau cách 2m.
Xin chào, 2021 giữa cơn đại dịch Covid-19 hoành hành.
Màn bắn pháo hoa đón Giao thừa 2021 ở cầu cảng Sydney - Úc ngày 1-1-2021 - Ảnh: Reuters
Trong bài phát biểu đêm giao thừa thứ 16 với tư cách là thủ tướng Đức, bà Merkel nhấn mạnh: “Tôi nghĩ mình không ngoa khi nói rằng: chưa bao giờ trong 15 năm qua, chưa bao giờ chúng ta thấy năm cũ lại nặng nề đến thế. Và chưa bao giờ chúng tôi, bất chấp tất cả những lo lắng và một số hoài nghi, lại đón chờ năm mới với nhiều hy vọng như vậy”.
Đức đã cấm bán pháo hoa đón giao thừa để ngăn cản đám đông tụ tập vì sợ dịch Covid-19 bùng lên. Các nhà chức trách ở Berlin cho biết cảnh sát sẽ "trừng phạt những người vi phạm”.
Một năm địa ngục
Tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch Covid-19 một năm trước, hàng nghìn người dự kiến sẽ tập trung tại các địa danh nổi tiếng khắp trung tâm thành phố để đếm ngược thời điểm đến năm 2021. Một số người cho biết họ đang thận trọng, nhưng không đặc biệt lo lắng quá. “An toàn là ưu tiên hàng đầu” - Wang Xuemei, 23 tuổi, một giáo viên, cư dân Vũ Hán, cho biết.
Ở Úc, nơi pháo hoa bắn lên bên trên Nhà hát Opera Sydney được truyền hình khắp thế giới như màn trình diễn trực tiếp đầu tiên đón giao thừa của năm mới, việc di chuyển đã bị hạn chế, các cuộc tụ tập bị cấm trong bối cảnh biên giới nội bộ giữa các bang của nước này bị đóng cửa vì số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt.
Hầu hết mọi người đều bị cấm đến trung tâm thành phố Sydney vào thời khắc Giao thừa.
Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales, nơi có thành phố Sydney toạ lạc cho biết: “Một năm trôi qua thật quái dị. Hy vọng rằng năm 2021 sẽ dễ dàng hơn với tất cả chúng ta”.
Pháo hoa ở cầu cảng Sydney năm nay vẫn hoành tráng nhưng người xem vắng đi vì dịch Covid-19 - Ảnh: Reuters
Tại quảng trường Puerta del Sol thường đầy ắp người của Madrid, sẽ không có cảnh những người vui chơi la hét thích thú nhét nho vào miệng. Giờ giới nghiêm nửa đêm của Tây Ban Nha đã được kéo dài đến 1h30 sáng hôm sau nên hầu hết mọi người dự kiến sẽ ở nhà. Khi cảnh sát kéo hàng rào kim loại qua quảng trường, Jose Angel Balsa, 61 tuổi cho biết ông sẽ dành cả buổi tối “với gia đình, chỉ bốn người chúng tôi ở nhà, rồi gọi điện qua ứng dụng video trực tuyến để gặp nhau".
Ở Anh, nơi một biến thể rất dễ lây lan của coronavirus chủng mới đang hoành hành và hầu hết mọi người đều bị hạn chế nghiêm ngặt khi ra ngoài, các bảng quảng cáo chính thức hướng dẫn công chúng “xem giao thừa Năm mới an toàn ở nhà”.
Các hàng rào đã được dựng lên ở những nơi công cộng như Quảng trường Trafalgar của London và Quảng trường Quốc hội.
Một bé gái ở Bangkok -Thái Lan ra đường đếm ngược thời khắc Giao thừa 2020 sang 2021 - Ảnh: Reuters
Nhà chức trách Nga trong khi đó ngăn chặn người dân tụ tập trên Quảng trường Đỏ. Các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trước nửa đêm, nhưng các màn bắn pháo hoa sẽ vẫn được thực hiện, chỉ khác là bên dưới khán giả sẽ vắng hơn mọi năm.
Ở Ý, các quán bar, nhà hàng và hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa và lệnh giới nghiêm được áp dụng cho đêm Giao thừa từ lúc 10 giờ tối. Vatican cho biết, Giáo hoàng Francis đã hủy kế hoạch chủ trì thánh lễ đêm giao thừa và ngày đầu năm.
Ở Pháp, nơi lệnh giới nghiêm ban đêm cũng sẽ có hiệu lực, không quá 6 người lớn được phép tụ tập quanh bàn ăn tối. Nhưng sẽ có những lễ kỷ niệm nhỏ vẫn được tiến hành.
Năm nay Thế giới đã đón thời khắc Giao thừa vô cùng khác lạ vì dịch Covid-19.
(CAO) New Zealand - quốc đảo khu vực Thái Bình Dương nằm gần đường kinh tuyến đổi ngày đã trở thành một trong những nơi đón năm mới 2021 sớm nhất toàn cầu.