Buổi tiếp xúc cử tri này diễn ra trước kỳ họp thứ 11 HĐND TP.HCM, dự kiến khai mạc ngày 4-12. Tổ ĐBQH gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP và bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM.
Ngoài ra còn có hai đại biểu HĐND TP cũng tham dự buổi tiếp xúc là ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành uỷ và ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Đảng uỷ Tổng công ty Văn hoá Sài Gòn.
Tại bàn đăng ký phát biểu, chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 50 lượt cử tri đăng ký, đồng thời nhiều cử tri yêu cầu Ban tổ chức "hỗ trợ" để được phát biểu, vì những lần đăng ký trước, dù có danh sách đăng ký nhưng họ không có cơ hội nêu ý kiến vì thời gian quá ngắn.
Các đại biểu có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2
Mở đầu buổi tiếp xúc, bà Trịnh Ngọc Thuý báo cáo một số kết quả của kỳ họp Quốc hội vừa.
Tiếp đó, ông Nguyễn Hồng Hà thông báo về chương trình dự kiến kỳ họp cuối năm của HĐND TP (khai mạc ngày 4/12 và kéo dài 4 ngày).
Ngay đầu buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quận 2, trong đó có người dân Thủ Thiêm đã nêu nhiều ý kiến, chất vấn xung quanh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như sai phạm của một số lãnh đạo, cán bộ qua các thời kỳ liên quan đến dự án này. Tổ đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM đã lắng nghe, ghi nhận những bức xúc cũng như nguyện vọng của cử tri.
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương không giấu được bức xúc vì trường hợp gia đình mình bị cưỡng chế dù theo bà, đất nhà mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Bà Dương yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chính quyền trong việc này, và việc giám sát của HĐND TP.HCM đóng vai trò như thế nào mà để xảy ra những sai phạm này.
Trong khi đó, Bà Nguyễn Thị Tám (cử tri P.Bình Khánh) đề nghị người chủ trì hội nghị ngày hôm nay "không cắt loa giữa chừng" để bà phát biểu vì vụ việc này bà đã phải chịu đựng suốt 20 năm trời: "Khu vực nhà tôi nằm ngoài ranh nhưng cũng bị giải tỏa. Nếu từ hôm nay đến Tết TP không trả lời được thì tôi sẽ về lại mảnh đất nhà cũ để đón Tết".
Bà Nguyễn Thị Tám (cử tri P.Bình Khánh) nêu ý kiến:
Cử tri nêu ý kiến
Bà Tám cũng yêu cầu được biết trách nhiệm của những người trong sai phạm liên quan đến 4 con đường trị giá 12.000 tỉ đồng ở Thủ Thiêm,...
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Thuý Lan (ngụ P.Bình Khánh) phát biểu trong nước mắt: "Người dân bầu các Đại biểu Quốc hội, HĐND để đại diện cho tiếng nói của họ. Các đại biểu hãy nghe dân. Nhà tôi ở ngoài ranh nhưng vẫn bị cưỡng ép di dời. Tôi đi khiếu nại thì Thanh tra nói tôi rút đơn...".
Bà Nguyễn Thị Thuý Lan nói trong nước mắt
Còn bà Lê Thị Thơ (P.An Lợi Đông) ngoài bức xúc đất đai còn cho rằng mình bị ép nhận tiền bồi thường dù không đồng ý: "Tiền bồi thường một hai trăm triệu, trong khi căn hộ đền bù thì cả tỷ đồng, dân phải trả góp hàng năm, chậm trả tiền là liên tục gởi giấy đòi nợ".
Không khí hội trường căng thẳng vì nhiều cử tri không giữ được bình tĩnh
Trước hàng loạt các ý kiến và sự mất bình tĩnh của cử tri ở hội trường, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã xin phép chủ tọa cho mình được phát biểu: "Cô bác yên tâm, chúng tôi sẽ ngồi lại nghe đến ý kiến cuối cùng". Đồng thời, bà Tâm cũng mong cử tri có thể phát biểu ngắn gọn, súc tích để những cử tri khác có thể trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình.
Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Hà (KP.1, P.Bình An) chất vấn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM: "Phải làm rõ ai là người đã ký quyết định thu hồi nhà đất trái pháp luật của bà con Thủ Thiêm? Khi nào trả lại tài sản, nhà đất cho người dân bị thu hồi trái phép? Cần phải có mốc thời gian cụ thể, rõ ràng!".
Bà Hà cũng nhấn mạnh ý kiến của nhiều bà con về việc không chấp nhận lời xin lỗi chừng nào vụ việc chưa được giải quyết xác đáng: "Dứt khoát không bao giờ tha thứ cho những người đã gây ra sai phạm. Mỗi lời xin lỗi như từng nhát dao cắt vào lòng chúng tôi. Không biết vì sao tôi có thể sống được đến giờ phút này!".
Trước rất nhiều chất vấn của cử tri về trách nhiệm của các ĐBQH về Thủ Thiêm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã chuyển đến Ban Dân nguyện của Quốc hội, một số bộ ngành T.Ư, chứ không phải hoàn toàn không đề cập tới vấn đề này. Đồng thời khẳng định việc giám sát là có nhưng cũng có sai sót: “Chúng tôi có phản ánh và trong thảo luận tổ, chúng tôi có đưa vấn đề Thủ Thiêm ra thảo luận. Đồng thời có giám sát nhưng cũng có cái lỗi là giám sát không được hết”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm xác nhận cơ quan chức năng sẽ xử lý các cá nhân sai phạm: "Bà con cô bác nói phải xử lý người làm sai là đúng rồi. Để xảy ra sai phạm ở Thủ Thiêm là trách nhiệm của lãnh đạo TP, đó là điều không thể phủ nhận. Trách nhiệm như thế nào thì đang xem xét kiểm điểm, làm rõ".
Khi được cử tri hỏi về vấn đề Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã từng làm Bí thư Quận ủy quận 2, giờ lại làm Tổ trường giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, bà Tâm khẳng định: "Dù đồng chí Nguyễn Thành Phong đã từng làm Bí thư quận 2 nhưng tôi khẳng định đồng chí Phong sẽ thực hiện theo ý chí, quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy. Tôi cam đoan dự án Thủ Thiêm đã trải qua hàng chục năm nhưng sai thì vẫn phải sửa, khó vẫn phải làm".
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời chất vấn của cử tri
Trước đó, ngày 7-11, tại buổi gặp người dân hai phường Bình An và Bình Khánh thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Tôi không né tránh. Chính quyền thành phố cũng không né tránh. Nếu bà con hỏi tôi có thật tâm giải quyết vấn đề Thủ Thiêm hay không, xin thưa là nếu không thật tâm, tôi không dành nhiều thời gian để lắng nghe cặn kẽ tất cả kiến nghị của bà con. Sắp tới, tôi sẽ tiếp người dân 3 phường còn lại nữa, đó là các phường: Thủ Thiêm, An Khánh và An Lợi Đông để lắng nghe thêm”.
Ông Phong cũng thông tin, liên quan đến 160ha tái định cư và các dự án ảnh hưởng đến việc tái định cư này, hiện TP phối hợp với tổ công tác của Chính phủ, cái nào sai phải sửa, liên quan trách nhiệm cá nhân, tổ chức nào là phải nghiêm khắc.
Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ TP luôn mong muốn người dân chia sẻ, có sự đồng thuận để cùng hướng đến những kết quả tốt hơn, vấn đề Thủ Thiêm sớm được giải quyết để người dân ổn định cuộc sống, chính quyền TP có thời gian tập trung xây dựng, phát triển Thủ Thiêm nói riêng và TP nói chung.
Tiếp đó, ngày 14-11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục gặp các hộ dân ở 3 phường An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông bị ảnh hưởng bởi dự án này. Tại buổi gặp, ông Nguyễn Thành Phong tiếp tục khẳng định TP luôn cầu thị lắng nghe ý kiến người dân và sẽ tiếp tục lấy ý kiến người dân, mong muốn người dân cùng hợp tác để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.
Đối với khu tái định cư 160 ha, Chủ tịch UBND TP cho biết Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ lập Tổ công tác với sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành và thành phố. Sau khi có kết qủa kiểm tra, thành phố sẽ báo cáo với người dân.
“Cái nào sai thì phải sửa, trách nhiệm của ai thì phải xử lý. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố sẽ triển khai ngay lập tức, không chần chừ vì vấn đề Thủ Thiêm đã kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều người dân cũng như sự phát triển chung của thành phố”, ông Phong cam kết.
Cũng tại buổi gặp này, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương chia sẻ: “Người dân có tha thứ, thông cảm thì chính quyền TP.HCM mới giải quyết được. Những lỗi lầm có thể tha thứ được thì xin người dân tha thứ để cùng hợp tác với chính quyền thành phố hiện tại giải quyết, sớm ổn định chỗ ở cho người dân trước Tết Nguyên đán 2019”.
Theo kế hoạch, đến ngày 30-11, UBND TP.HCM sẽ xây dựng xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, tại khu phố 1, phường Bình An và kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Cập nhật...