Hồi nhỏ, do cha mẹ thoát ly kháng chiến nên cuộc sống anh, chị, em tôi quá long đong... Bao lần bị giông bão cuộc đời xô ngã, vùi dập đều tự đứng lên, riết rồi quen, coi như là số phận. Có điều lạ là chúng tôi rất tự trọng, không qụy lụy, không thấp hèn, lúc nào cũng ngẩng cao đầu mà sống.
Chưa kịp lớn, ở tuổi mười ba, sau khi người cha thân yêu bị giặc Mỹ sát hại, tôi một thân một mình bôn ba tìm đường đánh giặc. Những ngày xông pha trận mạc, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, chiến công nối tiếp chiến công nhưng tôi không màng danh lợi, mọi sự rất tự nhiên như đời mình vốn dĩ là vậy.
Sau ngày hòa bình lập lại, tôi lao vào học... Di chứng tù đày hoành hành dữ dội nhưng tôi không đầu hàng mà cố gắng vượt qua mọi trở ngại về sức khỏe để đi đến đích tốt nghiệp đại học an ninh.
Thời kháng chiến, nếu không có người lãnh đạo trực tiếp nhạy bén, cả quyết thì sẽ không có Ngọc Tươi với tính cách mạnh mẽ, trí dũng song toàn, trực tiếp đánh và chỉ huy những trận đánh làm cho kẻ địch thất điên bát đảo như vậy. Trong hàng loạt chiến công vang dội của Ngọc Tươi luôn có dấu ấn Bảy Cường và ngược lại trong truyền thống T30 in đậm nét dấu ấn Ngọc Tươi.
Trong những ngày khổ sở vì di chứng tù đày trên đất Bắc, chính những tiền bối như Thứ trưởng Nguyễn Minh Tiến, Giáo sư Tiến Sĩ, Giám đốc Bệnh viện 198 Hoàng Tuấn, thầy Hiệu trưởng Đại học An ninh Quách Văn Hựu đã giáo dục nên một Ngọc Tươi luôn lấy Sáu lời dạy của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của mình.
Năm 1993 từ Học viện An ninh trở lại miền Nam, tôi chọn thành phố Hồ Chí Minh làm nơi gắn bó quãng đời còn lại bởi nơi đây đã lưu dấu biết bao kỷ niệm hồi đánh Mỹ, đặc biệt là hình bóng những hiệp sĩ đã giải vây cho tôi trong những trận đánh hồi kháng chiến. Sau những đợt bệnh do di chứng tù đày đeo bám hành hạ, không còn phù hợp hoạt động trinh sát an ninh nên tôi được điều động về Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh theo ý nguyện của mình. Tôi muốn tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút, đồng thời muốn có cơ hội tốt nhất để tìm lại những ân nhân từng cứu tôi trong những trận đánh giữa Sài Thành hồi kháng chiến chống Mỹ.
Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi trong một lần thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Bến Tre
Tôi về cơ quan báo không vì danh vị nhưng do cấp hàm cao nhất, lại đã qua đại học nên tôi gặp không ít khó khăn, mặc dù vậy, tôi từ chối mọi sự giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên, từ chối nhận bổ nhiệm chức vụ. Những ngày đầy giông bão, tôi vẫn là tôi.
Tôi về Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh bởi muốn viết thật nhiều, thật hay để đóng góp cho xã hội, không bõ công nhiều năm dồi mài kinh sử, cộng với kinh nghiệm từng vào sinh ra tử ở chiến trường nhưng những bài viết càng hay thì càng không được đăng? Tôi buộc phải gác bút để làm công việc không cần động não. Tôi nghĩ "sức khỏe mình bấp bênh không nên nhận trọng trách nhưng không được lãng phí sức lực khi tuổi đời còn quá ít...". Vậy là hoàn thành công tác cơ bắp được phân công, dư trí tuệ, tôi bắt tay làm kinh tế để sau này có điều kiện thực hiện di nguyện của thủ trưởng T30 trước lúc hy sinh...
Vài năm sau, mọi sự cản trở phát triển của đơn vị bị đào thải, tôi bắt đầu viết những bài ngắn sau mỗi chuyến hoạt động từ thiện của cơ quan, bởi không muốn "lấn sân". Rồi tôi phụ trách tổ chức. Ngoài công tác chuyên môn, tôi chăm lo cho 50 Mẹ Việt Nam Anh hùng do cơ quan nhận phụng dưỡng. Tôi thường về các địa phương khi thì trao nhà tình nghĩa, tình thương, khi thì thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng... Trong những chuyến công tác, tôi ra sức tìm lại đồng đội cũ. Thật đau đớn khi chứng kiến những đồng đội năm xưa của mình bị lãng quên, sống rất khó khăn, cơ cực. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định viết, viết ra sự thật, một sự thật thẳng thừng, dễ cảm nhưng khó nghe về hoàn cảnh của đồng đội cũ, của cả tôi nữa và sâu xa hơn: về một đơn vị anh hùng trong quá khứ đã bị lãng quên. Tôi phải viết, viết vì lòng đam mê, viết về vấn đề bức xúc...
Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi một thời cầm bút.
Bài dài đầu tiên tôi viết là viết về đồng đội, đó là bài Ký ức một thời, đồng đội của tôi. Còn nhớ hôm nộp bài, vừa quay lưng, Tổng biên tập gọi giật lại. Tôi đứng nguyên chỗ lên tiếng: "Bài dài quá phải không anh!". Anh ấy gắt lên: "Em họp Ban Biên tập em biết rồi mà, bài dài gấp 3 quy định, em cầm về tự cắt đi...". Tôi dứt khoát: "Em không muốn mình là ngoại lệ, nếu không đăng được thì bỏ, em chỉ mong anh nhín chút thời gian đọc đi rồi hãy có ý kiến", nói xong tôi đi thẳng.
Hơn mươi phút sau, Tổng biên tập Đặng Xuân Dũng qua phòng tôi, tay cầm bài của tôi, mắt đỏ hoe, giọng chùng xuống: "Anh xin lỗi em vì thái độ và lời nói lúc nãy. Bài em viết cô đọng. Viết về những người anh hùng lẽ ra phải nhiều kỳ. Bài rất hay, cảm động. Không ai được phép đặt bút vào bài này, anh duyệt cho đăng nguyên bản, em hãy viết đi, viết thật nhiều về những người anh hùng, anh cho đăng hết". Lời chân thành của anh làm tôi cảm động.
Khi bài được đăng tải, đồng nghiệp đọc đều rơi nước mắt, những giọt nước mắt chân thành khiến lòng tôi ấm áp. Tôi nhận tới tấp những cuộc điện thoại chúc mừng, chia sẻ, trong đó có Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Tuấn từ Hà Nội gọi tới, ông nói: "Chú vừa đọc bài Ký ức đồng đội của cháu. Cháu có năng khiếu của một nhà văn, nghe lời chú hãy viết truyện đi, đừng bỏ lãng phí lắm đó...".
Vài hôm sau khi báo đăng, Tổng biên tập sang phòng, anh xúc động nói với tôi: "Đồng đội Biệt động T30 khó khăn cần nhà tình nghĩa, em làm hồ sơ đưa cho anh, anh duyệt hết, bao nhiêu anh cũng duyệt. Đừng để anh em vất vả thêm nữa. T30 xứng đáng được như vậy". Một nghĩa cử đẹp của người đứng đầu cơ quan khắc sâu vào tim tôi. Tôi lần lượt gửi hồ sơ, khi anh Xuân Dũng duyệt đến căn nhà thứ 7 cho đồng đội thì tôi dừng lại. Tôi ngại mang tiếng là "được Tổng biên tập ưu ái". Gần 30 căn nhà cho đồng đội, tôi xin hỗ trợ thêm từ nơi khác, chị ruột tôi Nguyễn Thị Minh Hiền cũng vận động được một số căn, một số căn do hai chị em bỏ tiền ra hỗ trợ đồng đội. Anh em có nhà ở ổn định, anh em vui là tôi hạnh phúc.
Sau đó, tôi viết nhiều hơn, viết những bài xã luận, viết cho đồng đội đã hy sinh, viết cho cả người còn sống, viết cho xã hội, viết vì cộng đồng. Có người nói là do tôi đi từ thiện nhiều, chăm sóc gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều... nên các linh hồn liệt sĩ hiển linh vào bài, tôi mới lột xác viết hay như thế (!). Họ đâu biết rằng trước đây tôi đã từng viết nhưng không được đăng nên nhiều năm tôi không gửi bài nữa.
Cũng từ bài báo được chắt lọc từ trái tim dành cho đồng đội ấy mà đơn vị hiểu tôi hơn. Năm 2009, khi nhận được công văn chỉ đạo rà soát lại những cán bộ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có thành tích đặc biệt xuất sắc còn sót lại để đề nghị tuyên dương anh hùng thì Tổng biên tập chuyển ngay cho tôi. Tôi lướt qua rồi bỏ đó, không quan tâm. Nhiều lần Tổng biên tập gặp tôi tha thiết: "Nếu em không vì em thì hãy vì đồng đội cũ, vì cơ quan Báo, vì người thân... mà làm báo cáo thành tích để nhận vinh danh đi. Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, mọi việc lại trở về với đúng bản chất của chính nó, bắt đầu từ một bài báo "định mệnh".
Đối với người cầm bút, tác dụng tốt của chữ "tâm" và qui luật nhân quả là hiện hữu. Cảm ơn đời đã tạo nên một Ngọc Tươi hôm nay. Một Ngọc Tươi luôn nêu cao tính tiên phong trên mọi mặt trận, trước đây là cầm súng bảo vệ quê hương, ngày nay tiếp tục cầm bút xông pha trên mạng xã hội, trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng... ca ngợi quê hương, đất nước, tôn vinh cái đẹp, cái đúng đắn, cái lương thiện của con người.