Đồng chí Võ Văn Kiệt - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 23/11/2022 11:02

|

(CATP) Đổi mới luôn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những người đứng đầu, đi đầu. Nhưng vượt lên tất cả, đặt lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, đồng chí Võ Văn Kiệt đã làm được những điều mà lịch sử đã ghi nhận.

Hôm nay (23-11-2022) tròn 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa (khi hoạt động cách mạng lấy họ của mẹ ông là họ Võ), bí danh Sáu Dân, quê xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Tham gia cách mạng từ khi mới 16 tuổi, năm 17 tuổi ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Người đảng viên trẻ, giàu nhiệt huyết sau đó đã tham gia hoạt động trong Đảng bộ Vĩnh Long, rồi Khu ủy Khu Tây Nam bộ trên nhiều chiến trường nóng bỏng. Năm 1960, ông được Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam điều động về phụ trách Sài Gòn - Gia Định gắn liền trong cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam.

Cống hiến xuất sắc

Cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Võ Văn Kiệt, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những cống hiến to lớn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập, phát triển.

Đồng chí Võ Văn Kiệt là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược kiệt xuất, luôn dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở lắng nghe ý kiến nhân dân, văn nghệ sĩ trí thức và biết tập hợp sức mạnh của mọi lực lượng trong xã hội. Riêng đối với trí thức, đồng chí Võ Văn Kiệt nhận thấy đó là nguồn lực hàng đầu không thể thiếu cho quá trình phát triển, phải tập hợp lực lượng này, phát huy trí tuệ, tài năng của họ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bác Sáu Dân đến tận nơi sản xuất (nông trường) để khảo sát thực tế (năm 1979)

Nói về người đồng chí của mình, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười từng chia sẻ: "Anh Võ Văn Kiệt là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói, tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi chỉ đạo điều hành hoặc xử lý công việc về đối nội và đối ngoại, anh thể hiện nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động, triệt để. Anh là người lãnh đạo năng động và đầy nhiệt huyết, cả cuộc đời gắn với dân, với phong trào. Trong việc chỉ đạo thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bốn vùng Tứ giác Long Xuyên, anh là người lặn lội với thực tế, thấu hiểu được lòng dân. Khi đã thấy đây là những vấn đề hữu ích, anh dám làm và chỉ đạo làm một cách quyết liệt".

GS.TS Tạ Ngọc Tấn (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khẳng định: "Ở tầm quốc gia, những thành tựu to lớn về kinh tế của đất nước trong những năm đổi mới là công sức chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng thời cũng đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Kiệt. Với tầm nhìn chiến lược, với tính cách nổi bật là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, "làm nhiều hơn nói nhiều", luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những tổng công trình sư của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước".

Nhớ "bác Sáu Dân"

Theo PGS.TS Phan Xuân Biên (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM), điểm đặc biệt của ông Võ Văn Kiệt là người lớn lên trong phong trào, trui rèn trong thực tiễn nên khi khó khăn, ông tìm về cơ sở. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau giải phóng, Bác Sáu Dân đi xuống nhà máy, xí nghiệp để nghe tiếng nói của công nhân lao động, của lãnh đạo nhà máy, xí nghiệp.

Ông sẵn sàng lắng nghe cả những lời "trái tai" của các trí thức, bởi đó là những tấm lòng chân thành, tâm huyết và mong muốn cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Tôn trọng khoa học, lý luận nhưng khoa học, lý luận phải được tổng kết từ thực tiễn và mang lợi ích của nhân dân, nên ngoài khảo sát, trực tiếp chỉ đạo thực tiễn hoạt động của các xí nghiệp, nhà máy, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt lúc đó còn thành lập Văn phòng nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy. Đây là nơi tập hợp trí thức, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế từng giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.

Trên cơ sở những nghiên cứu của Văn phòng nghiên cứu kinh tế, Thành ủy đã có những chủ trương, quyết sách mang lại hiệu quả thiết thực. Chính những chủ trương, chính sách được tổ chức nghiên cứu từ thực tiễn TPHCM, rồi đưa ra thi hành thí điểm, tiến hành tổng kết đã trở thành những bước đột phá, những căn cứ thực tiễn quan trọng, góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới cho cả nước sau này.

Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đến trực tiếp lắng nghe công nhân nhà máy dệt

PGS.TS Phan Xuân Biên nhận xét, ông Võ Văn Kiệt là một người dấn thân. Ngoài ở TPHCM, sau này ông thành Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng thì tất cả các công trình đều bắt đầu từ tư duy làm gì đó cho dân, cho nước sau đó đi khảo sát thực tiễn. Lấy kinh nghiệm của người dân, cộng thêm suy nghĩ hiểu biết của trí thức rồi dùng quyết đoán của mình để thực hiện.

Còn theo PGS.TS Hà Minh Hồng (nguyên Trưởng khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV TPHCM), những đổi mới của thành phố trước năm 1986, có thời điểm được gọi là "xé rào", "vượt rào" nhưng đấy là những hành động trong bối cảnh Trung ương chưa có giải pháp thích hợp và những người như Bác Sáu Dân đã mang lại những giải pháp phù hợp. Những giải pháp đó không nằm ngoài mục tiêu, chủ trương xuyên suốt của Đảng là "Giữ dân, giữ đất, không được để dân đói". Dám làm những việc thực tiễn chưa có, dám làm những việc có tính chất mở đường, không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của lãnh đạo thành phố mà còn xuất phát từ cái tâm, từ sự trăn trở vì dân của Bác Sáu Dân. Trách nhiệm, nhiệt huyết của ông đã tạo nên phong trào đổi mới ở thành phố trước năm 1986.

PGS.TS Hà Minh Hồng cho biết thêm, có thể một người nghĩ nhưng khi làm thì cả một đội ngũ, cả một Thành ủy, cả một Ủy ban nhân dân và cả cơ quan chức năng đều vào guồng. Rõ ràng là với việc dám nghĩ là một cái đầu nhưng khi dám làm thì phải là nhiều cái đầu, nhiều đôi chân, nhiều bàn tay, nhiều khối óc cùng làm thì mới ra. Vai trò, uy tín của người đứng đầu đủ sức thuyết phục, tổ chức bộ máy đó làm theo cái "dám nghĩ, dám làm" của mình. Đổi mới luôn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những người đứng đầu, đi đầu. Nhưng vượt lên tất cả, đặt lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, ông Võ Văn Kiệt đã làm được những điều mà lịch sử đã ghi nhận.

Nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), ngày 22-11, tại TPHCM, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TPHCM, Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đồng chí Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam".

Chủ trì hội thảo gồm: ông Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long. Đến dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ...

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết từ những năm tháng hoạt động cách mạng bí mật cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn giữ nếp sống trong sáng, chân thành, giản dị, gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng bào. Trọn cuộc đời, đồng chí luôn là tấm gương thực hành xuất sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực sự là một người học trò xuất sắc của Người.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho đời một gia tài đồ sộ, một khối di sản lớn lao mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. Khi mọi người nhắc về "chú Sáu Dân" cũng đều có thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu. Điều đó nhắc nhở rằng, các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật, làm thật, sống thật với nhân dân, với Đảng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, Hội thảo khoa học cấp quốc gia được tổ chức hôm nay như một sự tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng thời là hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập tấm gương người cộng sản mẫu mực trong các tầng lớp nhân dân, nhất là hệ trẻ Việt Nam.

LÊ NGÂN

Bình luận (0)

Lên đầu trang