(CAO) Ngày 23-7, tại Gia Lai diễn ra toạ đàm kết nối hợp tác du lịch với các doanh nghiệp TP.HCM. Tham dự tọa đàm có hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh du lịch của 2 tỉnh, thành.
Các khách mời đến từ TP.HCM đánh giá cao các tiềm năng du lịch của tỉnh Gia Lai, đặc biệt là không gian văn hoá cồng chiêng, trầm tích văn hoá, khảo cổ học... Tuy nhiên, những tiềm năng này lâu nay vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác tốt ở góc độ du lịch. Khách du lịch nói chung và khách TP.HCM nói riêng lựa chọn Gia Lai là điểm đến chưa nhiều.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đến từ TP.HCM rất quan tâm tới các tua thăm quan, khám phá các nét văn hóa đặc sắc của người đồng bào dân tộc thiểu số. Sau buổi tọa đàm hôm nay, các đơn vị sẽ tổ chức các tua, đưa du khách tới Gia Lai nhiều hơn.
Các doanh nghiệp đến từ TP.HCM đánh giá cao tiềm năng du lịch tỉnh Gia Lai
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đánh giá Gia Lai là một trong những tỉnh Tây Nguyên có tiềm năng về du lịch văn hóa, sinh thái, lịch sử. “Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ thu hoạch được nhiều nội dung, giải pháp mà ngành du lịch hai địa phương cần phải điều chỉnh để kết nối thành tua, tuyến nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch”- ông Vũ nhấn mạnh.
Trước đó (tối ngày 22-7), tại huyện Kbang đã diễn ra Lễ hội văn hóa cồng chiêng. Tại đây, du khách được thưởng thức diễn tấu cồng chiêng của các đoàn, trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc, các nghề truyền thống như đan lát, tạc tượng, dệt vải, bắn nỏ, giã gạo…
Cồng chiêng thu hút được sự quan tâm của các vị khách đến từ TP.HCM
Nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được đem ra phục dựng
Lễ hội có sự tham gia của những khách mời đặc biệt, đó là đoàn công tác của Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành TP.HCM đến Gia Lai tổ chức khảo sát các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để xây dựng sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp giữa 2 địa phương trong chương trình liên kết phát triển du lịch.