Hàng trăm người sập bẫy đi "xuất khẩu lao động bằng... chuyên cơ riêng" (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 18/01/2019 14:48

|

(CATP) Sau khi vụ việc đổ bể, những lời cam kết chắc như đinh đóng cột từ phía Công ty Jiwoo Tour “bay theo gió”. Hàng trăm nạn nhân hoang mang, bất an vì nợ nần chồng chất.

KỲ CUỐI: LỘ DIỆN NHÓM NGƯỜI CẦM ĐẦU

Trước đó, chị Nguyễn Hoàng Nữ (SN 1981, ngụ H.Củ Chi, TPHCM) và các nạn nhân được phía công ty hứa hẹn sẽ trả hết tiền, hạn chót là ngày 15-1-2019. Tuy nhiên, đến hạn cuối, Nguyễn Thị Hường (SN 1982; Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên kết và thương mại Việt Nam, địa chỉ tại số 79Bis Phan Kế Bính, P.Đa Kao, Q1) không đứng ra giải quyết mà tìm cách né tránh.

Những nạn nhân đến Công ty Jiwoo Tour đòi lại tiền nhưng bà giám đốc tránh mặt.

Bà giám đốc bội tín

Ngày 15-1, chị Nữ cùng các nạn nhân đến số 79Bis Phan Kế Bính để đòi lại tiền đã nộp, nhưng ngồi chầu chực cả ngày vẫn không thấy bà giám đốc ra tiếp. Họ gọi điện cho Hường thì được trả lời là đang ở ngoài Hà Nội. Đợi đến khuya vẫn không nhận được xu nào, mọi người không chịu ra về.

Sau cùng, họ kéo nhau đến trụ sở CAP Đa Kao để gửi đơn nhờ Công an làm rõ.

Trước áp lực đòi lại tiền của các nạn nhân, em trai Hường là Nguyễn Ngọc Tân (Phó giám đốc) mới thay mặt công ty ký cam kết sẽ trả chị Nữ 2 tỷ đồng trong thời gian 5 ngày (từ ngày 16 đến 20-1-2019).

Bản cam kết giữa phia Công ty Jiwoo Tour và chị Nữ.

Lần theo manh mối vụ việc, phóng viên liên lạc được với người đi lấy và giữ 300 bộ hồ sơ xuất khẩu lao động (XKLĐ) của các nạn nhân. Người này tên T., cho biết: T. có họ hàng với người phụ nữ tên My (SN 1988, quê Tây Ninh; đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Du lịch quốc tế Jiwoo Tour, địa chỉ tại số 15, ngõ 259, phố Yên Hòa, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội).

Khoảng tháng 11-2018, T. được nhà xe gọi điện bảo đến nhận chiếc bao tải và chở về nhà trọ của My ở TP.Tây Ninh. “Chỉ đến khi mọi người đến thu lại bao hồ sơ, tôi mới biết đó là hồ sơ của những người đi XKLĐ!” - T. nói.

Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin một chiều từ T., còn sự thật T. có giúp sức cho My trong vụ lừa đảo này hay không cần được cơ quan chức năng sớm làm rõ. Ngoài T., tham gia nhận hồ sơ và tiền giúp My còn có Nguyễn Thị Y. (cũng là họ hàng của My). Nhưng khi chúng tôi liên lạc với bà Y. để hỏi về vấn đề này thì điện thoại của bà ta luôn tắt máy.

Sau nhiều ngày cất công dò tìm được địa chỉ nhà và số điện thoại của “bà lãnh sự” Nguyễn Vi Linh, chúng tôi cũng tìm mọi cách liên lạc. Cách đây vài ngày, điện thoại của Linh đổ chuông, nhưng không bắt máy. Từ khi Báo Công an TPHCM đăng loạt bài Đường dây lừa đảo XKLĐ quy mô lớn, phóng viên gọi vào điện thoại của Linh thì luôn tắt máy.

Còn đối với người phụ nữ thường gọi là My, hiện đang ở đâu, làm gì..., các nạn nhân không hề hay biết.

Theo điều tra của phóng viên, My tên thật trên giấy tờ là Nguyễn Bình Phương Giao, nhưng mọi người hay gọi là My. My đã sang Hàn Quốc sinh sống, làm việc nhiều năm nay. Trước đó, cô ta cũng lâm cảnh nợ nần chồng chất. Linh cũng xuất cảnh sang Hàn Quốc cách đây gần 3 năm. Sau đó, hai người đàn bà này thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Gần đây nhất, ngày 1-1-2019, My - Linh cùng nhập cảnh về Việt Nam. Từ các manh mối thu thập được, có thể thấy Hường và những đối tượng này quen nhau từ bên Hàn Quốc, rồi cùng hợp tác đưa các nạn nhân đi XKLĐ bằng “tàu bay giấy”.

Người thường được gọi là My

“Các đối tượng Hường, My, Linh đều có visa mở để đi Hàn Quốc, nên chúng tôi rất lo sợ họ sẽ bỏ trốn. Đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc, ra lệnh cấm xuất cảnh với đối với các đối tượng này. Đã có dấu hiệu cho thấy, Hường chiếm đoạt tiền của tôi và các nạn nhân để chuyển sang Hàn Quốc mua nhà cùng nhiều tài sản giá trị khác” - chị Nữ lo lắng, nói.

Cần sớm làm rõ vụ viêc

Trong vụ này, người lao động đã bỏ ngang công việc đang làm nhiều năm, mất nhiều quyền lợi để được đi XKLĐ theo diện tay nghề cao tại Hàn Quốc theo lời dụ dỗ của các đối tượng. Nhiều người phải vay nóng với lãi suất “cắt cổ”, hiện đang nợ nần chồng chất. Một số người đã phải bán nhà để trả nợ.

Thất thểu đẩy chiếc valy hành lý cồng kềnh, anh Võ Trường Giang (quê Cà Mau) ngậm ngùi: “Công việc lái xe tải đường dài ngoài Hà Nội đang có thu nhập ổn định, khi nghe người quen đang làm việc bên Hàn Quốc giới thiệu đi XKLĐ, tôi đã vay mượn bà con để nộp hồ sơ đăng ký đi, nào ngờ phải “nếm trái đắng”. Đến giờ tôi đã bay ra bay, bay vào 6 lượt mà vẫn chưa lấy lại được tiền. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm những kẻ đã đẩy chúng tôi vào cảnh bần cùng”.

“Chỉ vì sự thiếu hiểu biết, tôi đã bị biến thành “quân tốt” để các đối tượng lợi dụng lừa đảo người lao động. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi nông nổi của mình. Nhưng tôi muốn báo chí lên tiếng kịp thời để cơ quan chức năng vào cuộc, ngăn chặn họ không tiếp tục dụ dỗ thêm các nạn nhân khác sập bẫy như chúng tôi, lôi những kẻ cầm đầu và các đối tượng liên quan ra trước pháp luật” - chị Nữ bức xúc.

Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, với nhiều nạn nhân, số tiền thiệt hại rất lớn, sau khi điều tra về đường dây lừa đảo XKLĐ do Hường và các đối tượng thực hiện, chúng tôi đã liên hệ trao đổi với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, đồng thời hướng dẫn nạn nhân đến đơn vị này để nộp đơn tố cáo.

Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận đơn tố cáo của chị Nữ để tiến hành các bước điều tra tiếp theo. Báo Công an TPHCM sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ thu thập được cho cơ quan điều tra, đồng thời tiếp tục thông tin về diễn biến vụ việc để bạn đọc theo dõi.

Hàng trăm người sập bẫy đi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang