Phóng sự điều tra:

Hàng trăm người sập bẫy đi "xuất khẩu lao động bằng... chuyên cơ riêng" (kỳ 2)

Thứ Năm, 17/01/2019 16:22  | Thanh Huyền

|

(CATP) Không chỉ đưa ra nhiều “mồi nhử” hấp dẫn, các đối tượng trong đường dây còn giả mạo cán sự cấp cao của Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM để lừa các nạn nhân.

KỲ 2: LIÊN MINH "MA QUỶ"

Khi vụ việc đổ bể, những người trong cuộc mới biết toàn bộ hồ sơ của họ đáng ra phải nằm ở lãnh sự quán nước bạn, nhưng tất cả lại bị vứt chỏng chơ tại một phòng trọ ở... TX.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh).

Cam kết đưa đi làm việc cho các tập đoàn lớn

Theo điều tra của phóng viên, bà Nguyễn Thị Hường đứng tên Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên kết và thương mại Việt Nam (địa chỉ đăng ký tại lầu 46 tòa nhà Bitexco, số 2 Hải Triều, P.Bến Nghé, Q1, TPHCM). Ngành nghề đăng ký kinh doanh gồm: chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; bán buôn gạo, thực phẩm, đồ uống... Tuyệt nhiên không có chức năng công ty lữ hành hay đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Đến ngày 14-11-2018, công ty của Hường được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, văn phòng chính đặt tại 79Bis Phan Kế Bính (P.Đa Kao, Q1). Phạm vi kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra, vào Việt Nam. Sau đó, Hường lấy thương hiệu là Jiwoo Tour, lên mạng xã hội quảng cáo rầm rộ về các tour du lịch.

Giám đốc Jiwoo Tour - Nguyễn Thị Hường

Dù công ty của Hường không có chức năng đưa người đi XKLĐ, nhưng từ đầu đến giữa năm 2018, bà này đã nhận hơn 100 bộ hồ sơ của chị Nguyễn Hoàng Nữ (SN 1981, ngụ H.Củ Chi, TPHCM) đăng ký đi XKLĐ sang Hàn Quốc theo diện visa E7 (lao động tay nghề cao) và hàng trăm hồ sơ của các đầu mối khác.

Đến ngày 4-12-2018, Công ty TNHH Du lịch quốc tế Jiwoo Tour mới được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động đại lý du lịch, văn phòng đặt tại số 15, ngõ 259, phố Yên Hòa (P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Bình Phương Giao My (SN 1988, quê Tây Ninh). Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Công an TPHCM có mặt tại địa chỉ trên để xác minh, mới biết đây chỉ là công ty “ma” (!).

Làm việc với phóng viên về vấn đề này, Hường cho biết, Jiwoo Tour chỉ là thương hiệu của Công ty Xuất nhập khẩu liên kết và thương mại Việt Nam. Hường mở công ty, nhận hồ sơ cũng theo sự hướng dẫn của My. Điều đáng nói, sau khi hẹn các nạn nhân dời ngày bay đến 10-12-2018, nhưng vẫn không xuất cảnh được, phía Jiwoo Tour vẫn ngang nhiên đứng ra làm bản cam kết với nhóm chị Nữ.

Người đại diện ký bản cam kết là Nguyễn Ngọc Tân (em trai Hường, Phó giám đốc Công ty Jiwoo Tour). Trên bản cam kết đóng dấu Công ty Xuất nhập khẩu và liên kết thương mại Việt Nam. Nội dung buộc phía chị Nữ không được làm nhiều việc sau: rò rỉ thông tin chương trình đi; “check” (kiểm tra) thông tin hoặc gọi điện đến lãnh sự quán, khu vực sân bay; đưa thông tin hoặc đăng hình chụp visa lên mạng xã hội; để lộ thông tin chuyến bay trước ngày bay; bàn tán những điều không tốt làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Phía Tân cam kết đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đi theo lịch trình, hỗ trợ vé máy bay đi lại, được cấp hợp đồng lao động và trả hình chụp visa trước chuyến bay 7 ngày. Về phần công việc tại Hàn Quốc, công ty này cam kết, người lao động sẽ làm thợ lắp ráp, chế tạo cơ khí cho các tập đoàn Huyndai, Cuckoo...

Bên cạnh việc cam kết bằng giấy tờ, có con dấu, chữ ký, Hường còn trấn an người lao động bằng cách tuyên bố: Chồng Hường là người Hàn Quốc, đã trực tiếp đọc kỹ các bản hợp đồng lao động được ký kết với các tập đoàn lớn, như: Samsung, LG, Hyundai, Cuckoo... Tất cả các hợp đồng này đều có chữ ký của bà Linh bên lãnh sự quán (?!). Ngoài ra, Hường còn cam kết, khi cả đoàn sang đến Hàn Quốc, vợ chồng Hường sẽ ra sân bay đón đoàn, sắp xếp công việc để bàn giao cho các công ty.

Chiếc bao tải đựng 300 bộ hồ sơ

Chỉ đến khi sự việc không còn bưng bít được nữa, bên Jiwoo Tour mới chịu đưa người quen của chị Nữ và một đầu mối khác đến nhà My ở TX.Tây Ninh. Tại đây, họ tá hỏa khi phát giác toàn bộ 300 bộ hồ sơ bị đường dây lừa đảo này bỏ trong bao tải, vứt chỏng chơ trong góc nhà.

Một mặt, các đối tượng tỏ ra hợp tác với nạn nhân, nhưng mặt khác lại tìm cách hoãn binh, gieo rắc niềm hy vọng không tưởng đến các nạn nhân rằng vẫn còn cơ hội đi XKLĐ. Những “chân rết” của đường dây lừa đảo này còn thuyết phục những người lao động nhẹ dạ chuyển hồ sơ đi Hàn Quốc theo dạng thương mại hoặc đi du lịch rồi... ở lại, thời hạn nộp hồ sơ cho đến lúc bay là khoảng 3 tuần.

Bao tải đựng hồ sơ của các nạn nhân.

Ngày 10-1-2019, trong vai người có nhu cầu đi du lịch rồi ở lại nước ngoài lao động trái phép, chúng tôi liên hệ với nhân viên P. của Công ty Jiwoo Tour. Thấy số máy lạ nên đối tượng trên rất cảnh giác, nói công ty không còn nhận hồ sơ đi du lịch theo dạng này.

Sau đó, phóng viên đã nhờ anh H. - một nạn nhân bị Công ty Jiwoo Tour hứa hẹn xuất cảnh đi lao động theo dạng visa E7, nhưng bị cho “leo cây”. Vì lỡ mở tiệc liên hoan gia đình linh đình rồi từ phía Bắc vào TPHCM để xuất cảnh nên anh vẫn cố gắng bám trụ, tin vào những lời hứa lèo của các đối tượng, chờ đợi sẽ được xuất cảnh bằng visa thương mại.

Chúng tôi năn nỉ, viện cớ hoàn cảnh khó khăn nên cần đi XKLĐ để kiếm tiền lo cho gia đình. Anh H. mới nhận lời giúp rồi liên hệ với đầu mối T. ở Phú Yên (T. là một đầu mối giống chị Nữ, đã nhận hồ sơ của anh H. và nhóm người lao động để nộp cho Jiwoo Tour). Sau khi liên lạc với những đối tượng trong đường dây, T. gọi cho anh H., thông báo phía công ty sẽ nhận hồ sơ của nhóm chúng tôi, với mức phí 9.000 USD (nếu ở TPHCM) và 11.000 USD (nếu ở phía Bắc).

Qua tìm hiểu, sau khi sự việc bại lộ, hiện có gần chục người đăng ký lại với công ty để được đi du lịch sang Hàn Quốc theo dạng visa thương mại hoặc đi du lịch, sau đó tìm cách ở lại bất hợp pháp. Hiện số người này vẫn chưa tỉnh mộng, mà tiếp tục tin tưởng vào lời hứa viển vông của Công ty Jiwoo Tour. Họ đang chầu chực tại một nhà trọ trong khu dân cư gần sân bay Tân Sơn Nhất, đợi ngày xuất cảnh!

Giả mạo cả nhân viên lãnh sự quán

Phóng viên đã làm việc với Hường. Trả lời về những khuất tất trong việc nhận hồ sơ đưa người đi XKLĐ, Hường nói mình cũng chỉ là nạn nhân của My. Hường thừa nhận, công ty của mình không có chức năng đưa người đi XKLĐ, nhưng đã nhận 108 bộ hồ sơ của chị Nữ cùng tiền cọc của 102 bộ hồ sơ. Đến cuối tháng 12- 2018, sau hai lần hẹn xuất cảnh nhưng bất thành, Hường mới tìm hiểu và biết toàn bộ visa là giả.

Một số nạn nhân vẫn còn hy vọng tiếp tục được đi xuất khẩu lao động.

Nhiều ngày lần theo manh mối của các đối tượng trong đường dây trên, chúng tôi ghi nhận tổ chức lừa đảo này rất quy mô. Kẻ cầm đầu là My (hiện đang sống tại Hà Nội) và Nguyễn Vi Linh (SN 1966, cùng quê Tây Ninh; đang sống tại TPHCM). Để lừa nhiều người lao động, Linh đã giả danh là nhân viên cấp cao của Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc, “nổ” rằng mình có quyền ký quyết định hồ sơ cấp visa, làm người nhẹ dạ cả tin như chị Nữ và những đầu mối khác sập bẫy.

Nạn nhân của đường dây lừa đảo này không chỉ dừng lại ở con số gần 110 người đăng ký chỗ chị Nữ, mà thực tết lớn hơn rất nhiều. Từ 300 bộ hồ sơ bỏ trong khu nhà trọ ở TX.Tây Ninh cho thấy, có ít nhất 300 nạn nhân.

Ngoài những đầu mối ở phía Nam như chị Nữ, các đối tượng còn có rất nhiều “chân rết” ở các tỉnh, thành khác và đang tiếp tục tung ra những “mồi nhử” khác để chiêu dụ người lao động nhằm chiếm đoạt tiền. Trong số đó, nhiều người rơi vào cảnh điêu đứng sau khi nộp đủ từ 13.000 - 15.000 USD cho các đối tượng, nhưng không lấy lại được và bị “xã hội đen” đe dọa tính mạng, buộc phải trả đủ lãi và gốc khoản tiền đã vay của chúng.

Còn tiếp...

Hàng trăm người sập bẫy đi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang