(CAO) Nhập viện trong tình trạng đau đớn, đi lại khó khăn, chân trái bỗng ngắn hơn chân phải, bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa khớp háng nặng.
Thông tin từ Bệnh viện An Bình cho hay, bệnh viện này lần đầu tiên thực hiện thành công kĩ thuật thay khớp háng toàn phần cho bệnh nhân.
Ông H.H. (SN 1959, ngụ tại Q.5, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau đớn vùng hông bên trái, đi lại khó khăn.
Ông H. cho biết, tình trạng đau âm ỉ ở hông của ông đã kéo dài hơn 1 năm, nhưng do chủ quan nên không đi khám. Gần đây, cơn đau xuất hiện ngày càng nặng, đi lại khó khăn, ông mới đi khám và biết mình bị thoái hóa khớp.
BS Nguyễn Hoàng Duy, Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ BV An Bình cho biết, kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng nặng, chân trái bị thoái hóa khớp thấp hơn chân phải 2cm, điều trị bằng thuốc không hiệu quả, nên tư vấn cho bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.
BS Nguyễn Hoàng Duy, Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ BV An Bình. Ảnh: NĐ
"Các bác sĩ quyết định phẫu thuật thay khớp háng nhằm giúp ông H. có thể đi đứng trở lại, đồng thời điều chỉnh lại độ dài hai chân cho cân bằng để bệnh nhân có thể có dáng đi bình thường”, BS Duy cho biết.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp, sau khoảng 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được thay khớp háng toàn phần thành công.
BS Duy cho biết, đây là trường hợp đầu tiên được BV An Bình thực hiện thay khớp háng và thành công.
Khớp háng sau khi được phẫu thuật
Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và được tập vật lý trị liệu. Hiện tại, bệnh nhân đã hết đau, tự tập đi lại bằng nạn. Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất hiện trong tuần sau.
Hiện tại, bệnh nhân đã hết đau, tự tập đi lại bằng nạn. Ảnh: NĐ
BS Nguyễn Hoàng Duy chia sẻ: Khớp háng là một khớp lớn của cơ thể, đóng vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt của con người, từ sinh hoạt hằng ngày đến lao động sản xuất, vì vậy tổn thương khớp háng ảnh hưởng đến khả năng đi lại, vận động của bệnh nhân.
Đặc điểm của thoái hóa khớp háng là đau nhức và khả năng cử động rất hạn chế. Thoái hóa háng thường gặp ở người trên 50 tuổi thường do quá trình thoái hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra ở người trẻ, sau những chấn thương hoặc những biến dạng gặp phải như: gãy cổ xương đùi, trật khớp háng… Theo BS Duy, việc uống bia rượu nhiều, hoặc lạm dụng thuốc corticoid cũng có thể góp phần hây hại, làm hoại tử chỏm xương đùi,...
Những bệnh nhân bị bệnh lý này thường đã được điều trị nội khoa dài ngày bằng các thuốc giảm đau chống viêm nhưng không hiệu quả. Quá trình thoái hóa khớp háng diễn ra âm thầm bên trong khớp, dần bào mòn và phá hủy lớp sụn bao phủ đầu xương, làm mất chức năng phân tán lực và bảo vệ đầu xương. Và chỉ khi những cơn đau đớn kéo dài, không thể tiếp tục công việc, hạn chế vận động, có khi đến mức không thể tự thực hiện được những sinh hoạt cá nhân tối thiểu… người bệnh mới cầu cứu bác sĩ. Và khi đó bệnh đã trở nên nặng và khó chữa hơn, không còn khả năng điều trị bảo tồn.