Những "ngôi sao" khởi nghiệp sớm lâm vòng lao lý:

Kỳ 3: Nữ tỷ phú trẻ vào tù vì tội lừa đảo

Thứ Tư, 19/04/2023 16:19

|

(CATP) Ngày 27-4-2023 tới đây, nữ doanh nhân (DN) 39 tuổi người Mỹ Elizabeth Holmes sẽ phải thi hành bản án 135 tháng tù về tội lừa đảo các nhà đầu tư và những nhân vật nổi tiếng bằng ý tưởng sáng chế ra chiếc máy xét nghiệm "chỉ cần vài giọt máu tại nhà có thể giúp chẩn đoán bách bệnh". Theo hồ sơ, năm 2015 Công ty Theranos của Elizabeth được định giá 9 tỷ USD và nữ DN này đã được vinh danh "Nữ tỷ phú tự lập thân trẻ nhất mọi thời đại".

Phần 1: Khi đường kinh doanh được trải thảm

Hoài bão lớn lao

Cha của Elizabeth từng là Phó chủ tịch của Enron - công ty năng lượng lớn ở bang Texas, Mỹ bị phá sản và giải tán năm 2001 do làm giả sổ sách kế toán để che giấu khoản nợ 40 tỷ USD. Mất việc tại Enron, ông về làm việc cho Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Cơ quan thương mại và phát triển Mỹ (USTDA), trong khi mẹ của Elizabeth từng làm việc tại một ủy ban của Quốc hội Mỹ.

Gia đình của Elizabeth rất tự hào về truyền thống gia đình với nhiều người nổi tiếng, đó đó có DN Charles Fleischmann - người vào năm 1876 đã sáng lập Công ty men nở Fleischmann nổi tiếng đến tận ngày nay.

Elizabeth mê lập trình từ thời trung học, sau này thương vụ đầu tiên của cô là bán phần mềm cho các trường đại học Trung Quốc, nên cô đã theo đuổi tiếng Hoa từ lúc đó. Năm 2002, Elizabeth vào Đại học Standford, ngành Kỹ thuật hóa và trở thành nghiên cứu viên rồi trợ lý phòng thí nghiệm.

Ngay từ năm thứ nhất, Elizabeth đã nghiên cứu chế tạo đoạn băng tẩm hóa chất (kiểu giấy quỳ xác định độ pH), khi nhỏ vài giọt máu lên đó có thể xác định nhanh các bệnh truyền nhiễm và lượng kháng sinh sử dụng để điều trị, đồng thời chuẩn bị hồ sơ nộp đăng ký sáng chế cho phương pháp này. Một thời gian ngắn sau, Elizabeth phát triển ý tưởng trên thành thiết bị xét nghiệm máu tại nhà có kích cỡ như CPU của máy tính bàn, với tên gọi "Edison", nhưng có thể phát hiện ra hàng trăm thứ bệnh (!). Người sử dụng không phải mất thời gian, công sức tới các phòng xét nghiệm để y tá dùng kim rút cả ống máu và chờ đợi nhiều ngày mới nhận được kết quả. Chiếc máy cũng giúp giảm chi phí và đặc biệt chỉ mất vài giọt máu - điều vô cùng hấp dẫn với những người sợ kim chích như cô.

Elizabeth Holmes ra tòa cùng cha và bạn trai

Triển vọng sáng ngời

Ở tuổi 19, Elizabeth đã thuyết phục được thầy của mình, Giáo sư Trưởng khoa Channing Robertson trở thành người đầu tiên gia nhập hội đồng quản trị của Công ty Theranos do cô sáng lập năm 2003 và ông cũng là người kết nối học trò của mình với các nhà đầu tư để huy động vốn. Một năm sau, nhờ sự giúp sức về vật chất lẫn tinh thần từ cha mẹ và người quen, Elizabeth gom được 6 triệu USD tiền vốn cho Theranos.

Nhiều năm tiếp theo, Theranos hoạt động theo phương thức "hộp đen", khi những người tò mò về công nghệ mới có tính quyết định vận mệnh của ngành xét nghiệm y khoa biết rất ít về hoạt động của công ty, trong khi Elizabeth cũng hiếm thấy xuất hiện trước giới truyền thông. Tuy nhiên, nếu chịu khó sắp xếp các thông tin được công bố, người ta có thể thấy Theranos đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện công nghệ và từng bước mở rộng khách hàng nhằm tạo dòng tiền mặt doanh thu đồng thời tiếp tục huy động vốn.

Cho tới năm 2010, khi Theranos huy động được 92 triệu USD tiền vốn thì hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là biến mình thành phòng xét nghiệm cho các hãng dược phẩm. Mãi tới năm 2013, Theranos mới bước ra khỏi "hộp đen" để cho thế giới biết về sản phẩm của mình khi mở ra các trung tâm sức khỏe Theranos nằm trong 67 tiệm thuốc của chuỗi nhà thuốc Walgreens lớn thứ nhì nước Mỹ. Tất nhiên các trung tâm này trông giống phòng xoa bóp hơn là để xét nghiệm, nơi bạn có thể ngồi trên sofa, nghe nhạc trong khi nữ nhân viên massage đầu ngón tay bạn cho ấm lên trước khi dùng dụng cụ thiết kế riêng để chích lấy vài giọt máu.

Trong 18 tháng tiếp theo, nhiều khách hàng quan trọng cũng mở cửa chào đón Theranos: Bệnh viện Cleveland Clinic có tuổi đời 1 thế kỷ luôn tiên phong trong các tiến bộ y khoa chấp nhận dùng phương pháp của Theranos để xét nghiệm cho bệnh nhân; các công ty bảo hiểm Capital BlueCross, AmeriHealth Caritas cam kết ưu tiên chọn sử dụng xét nghiệm của Theranos, Quỹ Carlos Slim đồng ý dùng xét nghiệm của Theranos trong mạng lưới trung tâm sức khỏe của mình tại Mexico để phát hiện bệnh tiểu đường cùng một số chứng khác. Theranos cũng là đồng tác giả của luật được bang Arizona thông qua, cho phép người dân được thực hiện xét nghiệm không cần phải có chỉ định của bác sĩ.

Elizabeth tin rằng, các trung tâm sức khỏe của Theranos sẽ sớm đè bẹp ngành xét nghiệm trị giá 75 tỷ USD/năm này.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang