Những án kiện "có một không hai":

Kỳ 4: Đòi bồi thường 54 triệu USD vì... chiếc quần thuê giặt

Thứ Năm, 08/06/2023 11:18

|

(CATP) Cho rằng chủ tiệm đã đánh tráo và trả sai hẹn chiếc quần dài mang đến giặt là của mình, khách hàng là 1 thẩm phán ở Mỹ đã kiện đòi bồi thường với số tiền gây sốc lên tới 54 triệu USD! Kết quả, ông bị đình chỉ hành nghề luật vì hành động thiếu thiện chí của người làm việc trong ngành Tư pháp này.

Túng quá, kiện liều?

Tiệm giặt ủi của vợ chồng ông Jin Chung - bà Soo Chung và con trai Ki Chung (người Hàn Quốc, nhập cư vào Mỹ năm 1992) mở từ năm 1997, có tên Happy Cleaners nằm ở quận Columbia, Washington D.C, Mỹ. 8 năm sau, họ khai trương thêm tiệm khác với quy mô lớn hơn, đặt tên là Custom Cleaners với tấm biển quảng cáo ấn tượng "Bảo đảm khiến quý khách hài lòng" và "Trả đồ cùng ngày nhận".

Vụ kiện hy hữu của người làm trong ngành Tư pháp Mỹ bắt đầu từ ngày 03/5/2005. Vì muốn lịch lãm hơn trong ngày đầu nhận công việc mới: được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa hành chính Washington DC với nhiệm kỳ 10 năm (bắt đầu từ 2005), mức lương 100.000 USD/năm, luật sư đồng thời là thẩm phán Roy Pearson đã gửi chiếc quần dài màu xám đến tiệm giặt ủi của gia đình ông Jin để sửa và được hẹn trả 2 ngày sau đó. Đặc điểm nhận dạng là 3 con đỉa của quần (nơi dùng để cài dây lưng) liền nhau ở cả hai bên mặt trước của lưng quần.

Điều đáng nói là do sự cố bất ngờ xảy ra, chủ tiệm Jin đã trả quần cho khách trễ hẹn vài ngày với "vài vết xước và bị thủng một vài chỗ". Điều này khiến thẩm phán Roy phật ý, cương quyết không chịu nhận lại chiếc quần được trả đồng thời kiện yêu cầu bồi thường 1.000USD. Theo vị thẩm phán ấy, làm vậy là để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những cơ sở kinh doanh kém chất lượng.

Chủ tiệm giặt là giơ cao chiếc quần dẫn đến khiếu kiện

Thấy lỗi của mình không đáng để phải bồi thường số tiền lớn như thế, chủ tiệm Jin không chấp nhận. Thế là thẩm phán Roy Pearson lập tức viện dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lập luận: Chủ tiệm giặt ủi có ý định lừa ông, khi làm mất quần và trả bằng chiếc khác, trong khi biển quảng cáo treo trong tiệm là "Bảo đảm sự hài lòng" và "Trả đồ cùng ngày nhận" chỉ "trưng bày cho vui", để đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao quận Columbia.

Điều đáng nói là sau khi tòa án ra quyết định những hư hỏng trên chiếc quần không có gì đáng kể, thẩm phán Roy Pearson lại tiếp tục kiện về 2 chiếc biển treo không đúng quy cách bên ngoài tiệm giặt ủi Custom Cleaner, khiến dư luận thành phố này cho rằng việc kiện tụng của ông Pearson là hành động lập dị.

Thẩm phán Roy Pearson cho rằng cửa tiệm đã gian dối với những gì trưng lên, yêu cầu khoản tiền 1.500 USD cho... mỗi ngày tấm biển được sử dụng!

Mặc dù vậy, gia đình Jin quả quyết họ đã trả đúng chiếc quần khách giao và luôn tuân thủ những gì đã quảng cáo, trừ sự cố hy hữu lần này. Vụ việc dân sự gây xôn xao dư luận được tòa thụ lý.

Khi "chiến thuật kiện tụng biến thành lạm dụng"

Diễn biến tiếp theo gây sốc trên toàn nước Mỹ khi vào tháng 3/2007, thẩm phán Roy Pearson đưa ra yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại lên tới... 54 triệu USD về "sự cố chiếc quần ở tiệm giặt ủi", bao gồm: 500.000 USD phí luật sư (trong khi ông tự đại diện cho mình), 2 triệu USD cho "sự phiền muộn dẫn đến stress" vì mất quần, 15.000 USD là khoản phí thuê xe vào mỗi cuối tuần để đi giặt ủi ở tiệm khác xa hơn và trên 50 triệu USD còn lại để "giúp đỡ những trường hợp tương tự, phải kiện các cửa hàng có hành vi gian dối".

Biết đòi hỏi này vô cùng phi lý, nhưng trên thực tế, thân chủ của mình cũng có phần sai nên luật sư của gia đình ông Jin lần lượt đưa ra 3 khoản bồi thường tương ứng với các yêu cầu trên là 3.000 USD, 4.600 USD và 12.000 USD. Nhưng thẩm phán Roy Pearson kiên quyết gạt đi.

Điều đáng nói là tại phiên tòa diễn ra ngày 12/6/2007, thẩm phán Roy Pearson không thể chứng minh được chiếc quần "bị đánh tráo" (theo ông) không phải là của mình. Luật sư của bên bị lập luận rằng, một người bình thường đều hiểu không thể xem tấm biển quảng cáo của một cửa tiệm (dù kinh doanh gì đi chăng nữa) là bảo chứng vô điều kiện rằng họ sẽ bảo đảm tất cả yêu cầu của khách hàng; trong khi đó, thẩm phán Roy Pearson hiện lâm cảnh túng quẫn vì đang phải nhận trợ cấp thất nghiệp, do đó không loại trừ khả năng thẩm phán túng quá nên... kiện liều!

Ngày 25/6/2007, sau khi có đủ căn cứ về hành động thiếu thiện chí của thẩm phán Roy Pearson đồng thời không có cơ sở để ông này được nhận bồi thường, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn. "Họa vô đơn chí”, cùng năm, thẩm phán này cũng bị bãi nhiệm chức thẩm phán tòa hành chính của Washington DC do "thiếu phẩm chất cần có” để hành nghề.

Theo tòa phúc thẩm, Roy Pearson có tình tiết giảm nhẹ là "không có tiền sử bị kỷ luật", nhưng "chiến thuật kiện tụng của thẩm phán này đã đi quá giới hạn của sự hiếu thắng và biến tướng thành lạm dụng", trong khi thái độ không hối lỗi chính là tình tiết tăng nặng.

(Còn tiếp...)

Kỳ 3: Kiện công ty vì giao việc quá... nhàm chán!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang