Trung Quốc bác chỉ trích đang giăng “bẫy nợ” đối với Châu Phi

Thứ Ba, 04/09/2018 14:10  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 4-9, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc khẳng định nước này đang rót vốn giúp Châu Phi đạt được những thành tựu phát triển chứ không phải dùng vốn để giăng “bẫy nợ” đối với các nước ở châu lục này.

Trước đó vào hôm 3-9, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết rót 60 tỷ USD đầu tư vào các quốc gia Châu Phi trong buổi khai mạc diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Châu Phi.

Gần đây đã diễn ra làn sóng các nước Châu Phi sử dụng nguồn vốn Trung Quốc cung cấp để tái thiết đất nước. Bắc Kinh thể hiện mình với vai trò là nhà tài trợ vốn tốt nhất cho các nền kinh tế phát triển bất chấp cảnh báo từ nhiều nước phương Tây.

Sở dĩ các quốc gia Châu Phi ưa dùng vốn của Bắc Kinh vì không phải chịu những ràng buộc về điều kiện vay vốn như xem xét khả năng chi trả hay các vấn đề vi phạm nhân quyền.

Đặc phái viên về Châu Phi của Trung Quốc - Xu Jinghu nhấn mạnh: “Nếu chúng ta tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi với các quốc gia Châu Phi bằng những khoản nợ lớn thì tính ra Trung Quốc không phải là chủ nợ chính. Vì thế không có cơ sở quy chụp Trung Quốc liên quan đến các vấn đề về nợ ở Châu Phi”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn hợp tác Châu Phi - Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh ngày 4-9 - Ảnh: Reuters

Người này cũng cho biết Bắc Kinh chọn các dự án đầu tư ở Châu Phi rất cẩn trọng và bác cáo buộc trói chân các quốc gia ở đây bằng các khoản nợ, và rằng các khoản đầu tư này giúp các quốc gia phát triển bền vững chứ không có ý giăng “bẫy nợ” khiến họ phải nhân nhượng bằng những lợi ích khác.

Trong khi đó, cựu bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo hôm 4-9 nhấn mạnh: “Tôi hy vọng trong vòng 5 năm tới, giao thương và hợp tác Trung – Phi sẽ vượt qua giao dịch thương mại Mỹ - Trung. Đó là một mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được”.

Mỹ và các nước phương Tây đang lo ngại Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở Châu Phi bằng các chính sách cho vay vốn ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng để đổi lại Bắc Kinh được nhập khẩu về dầu mỏ và các khoáng sản thô, đất hiếm, kim loại quý khai thác ở lục địa đen với giá cả cạnh tranh.

Top 10 nước Châu Phi nhận đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc nhiều nhiều nhất hiện nay - Ảnh: CNN

Ngoài ra bờ đông Châu Phi là khu vực nằm trong kế hoạch thiết lập Vành đai, con đường nơi Bắc Kinh dự định sẽ xây các cảng biển, thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài. Việc tiếp cận Châu Phi của Bắc Kinh vì thế đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Bình luận (0)

Lên đầu trang