Nước mắt đại ngàn:

Bài 1: Hóa đá sau lũ

Thứ Tư, 06/09/2023 10:00

|

(CATP) Thời gian vừa qua, liên tục xảy ra tình trạng sạt lở đất ở nhiều nơi, từ khu vực nằm trên trục đường 8 (phía Lào) dẫn sang Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh; cho đến những điểm sụt lún tại tỉnh Đắk Nông... khiến người dân ở những vùng cao không khỏi hoang mang, lo lắng. Nhớ lại "vết thương" đang còn ngổn ngang từ vụ sạt lở ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cách đây 3 năm khiến 9 người chết, 13 người mất tích, nhiều người dân không khỏi giật mình: Phải chăng con người đã đối xử không tốt với thiên nhiên?!

Xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là nơi từng xảy ra những vụ sạt lở kinh hoàng khiến nhiều ngôi làng bị cô lập, trực thăng mang mì, gạo thả xuống để cứu đói. Sau 3 năm, có những vết thương mà con người không thể nào khắc phục lại được. Ông Hồ Viết Lờ nhắc đi nhắc lại với tôi nỗi ám ảnh "núi lở" bằng tiếng Vân Kiều "sờ tâu c tét".

"Nham thạch" vây làng

Trên bản đồ Việt Nam, xã Hướng Việt nằm ở khúc eo thon của dặm dài đất nước hình chữ S. Vùng đất này chiếm phần lớn là núi rừng điệp trùng, dân cư thưa thớt và những bản làng thấp thoáng bên rìa núi: Ka Tiêng, Tà Rùng, Trăng Tà Puồng, Xà Đưng. Chiếc xe Hyundai trọng tải 3,5 tấn chuyên chở hàng hóa chạy trên con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi sâu vào Hướng Phùng, Hướng Việt cũng kiêm luôn việc chở khách bộ hành.

Tháng 10/2020, Mưa lũ đã biến xã Hướng Việt thành vùng đất "sáu không": Không đường, không điện, không nước sạch, không trường học, không trạm y tế, không chợ. Cùng thời điểm đó, sạt lở núi xảy ra ở khắp các tỉnh, thành như: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, kinh tế, cây trồng, nhiều đồng chí cán bộ Công an, Quân đội đã hy sinh. Riêng xã Hướng Việt có 30 ha ruộng của 240 hộ dân bị vùi lấp. Địa phương đã hỗ trợ 550 triệu đồng để bà con khắc phục lại ruộng nương.

Những trảng rừng già hiện ra trước mắt rồi lại ẩn hiện sau những con dốc cua tay áo, những mảng núi vẫn còn nguyên vệt nứt vỡ, đất đỏ lòm sau trận sạt lở vào tháng 10 năm 2020. Chị Lệ, người phụ nữ trạc 40 tuổi, vừa là chủ xe và kiêm cả người dự báo thời tiết trên cung đường nổi tiếng nhất ở tuyến đường biên viễn ở Quảng Trị. Xe chồm chồm gầm rú leo lên dốc Sa Mù, địa danh nằm giữa 2 xã Hướng Phùng và Hướng Việt, chị nhắc ngay tới những ngày bi thảm bên kia dốc và sự hy sinh của một cán bộ công an.

Câu chuyện của chị đã gợi lại viễn cảnh tan hoang của vùng đất này vào cuối năm 2020, mưa lũ đã xới tung những ngôi làng, làm biến dạng đồng ruộng, ngôi trường giữa trung tâm xã bị bùn đất lùa xuống và ngập lên tới gần 1 mét. Ông Hồ Văn Vọng, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt thốt lên: "mọi thứ đều bị tê liệt! Hướng Việt không biết phải từ đâu, chỉ một mình Hướng Việt là không thể lo nổi!".

Vách ta luy dưới chân đèo Sa Mù vẫn bùng nhùng, đầy vết sạt lở. Phía trên đầu là con đường vượt dốc hình chữ S. Ảnh: Văn Chương

Chuyện cũ đi qua đã 3 năm, nhưng trở lại Hướng Việt vẫn thấy thấp thoáng những ngọn đồi còn nguyên vết tích từng mảng núi đổ sập và đến giờ vẫn chưa xanh cây cỏ. Trong những ngày qua, đồng bào Bru Vân Kiều xem ti vi và hình ảnh sạt lở, sụt lún ở các tỉnh đã khiến đồng bào nhớ đến "sờ tâu c tét" (sạt lở, sập núi). Tôi nói, chuyện này đã đi qua lâu rồi, 3 năm, cuộc sống đã trở lại bình thường, còn gì mà sợ? Chị Hồ Thị Thanh, người đàn bà có ánh mắt buồn rầu, đứng dựa vào ngôi nhà gỗ, chỉ tay ra hướng chân núi Sa Bu và nói, "vẫn lấp hết rồi, hết cả ruộng nương...!".

Dung nham lạnh

Chị Lệ, người chủ xe với chiếc điện thoại "cục gạch" bắt sóng chập chờn khi xe qua những hẻm núi. Những ngày mưa gió, mỗi khi thấy đất trên đồi lăn xuống mặt đường, hoặc dốc Sa Mù chập chờn qua cửa kính, nước mưa cuộn đất đỏ lòm băng ngang con dốc hình chữ S, chị lại thông báo cho các xe đi sau, đó là lúc khắp thôn bản nghe người ta nói "sờ tâu c tét".

Tôi xuống xe, lặn lội chân dốc Sa Mù, lách người vào từng khe nứt, hình dung ra cảm giác về những ngày mưa gió. Mỗi vết nứt giống như hàm cá mập, nuốt chửng những gì rơi vào khe hở. Dốc Sa Mù rất nổi tiếng với dân đi phượt, nhưng vào mùa mưa thì liên tục gắn với câu "sờ tâu c tét" của người đồng bào Bru Vân Kiều. Tôi chợt nhận ra có gì bất thường, dù nắng cháy, nhưng mặt đất nơi đây vẫn bùng nhùng, đất vẫn nhão, chỉ khô trên bề mặt, chỉ chờ có mưa đổ thì biến thành một thứ dung nham lạnh trên dãy Trường Sơn.

Ông Hà Ngọc Anh Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Phùng, từng phân tích: khu vực phía Nam đèo Sa Mù (xã Hướng Phùng) trở thành thủ phủ cà phê ở miền Trung nhờ có đất đỏ bazan mịn màng. Còn phía Bắc của đèo Sa Mù, địa phận xã Hướng Việt thì phần lớn là đất cằn sỏi đá.

Ông Hồ Văn Vức đang gầy lại đàn heo, toàn bộ ruộng vườn nơi ông đang ngồi đều nằm dưới lớp đất đá

Đầu thôn Cù Bai, xã Hướng Việt, ông Hồ Văn Vức kể lại chuyện mưa lũ đi qua đã 3 năm, nhưng vẫn còn nhiều gia đình người dân chưa thể phục hồi. Ông nhắc đến 2 tiếng "cà đích", tiếng Bru Vân Kiều có nghĩa là nghèo khó. Ông kể với giọng ngắt quãng và vẫn hơi thở hổn hển: "sạt lở núi, Ka Lóc, 3 cái nhà ở đây trôi hết... ứ... ứ, chủ tịch xã bị trôi 1 ngày 1 đêm (ông Hồ Văn Sinh), còn chú công an xã thì chết dưới suối ngày hôm sau mới tìm ra được (Thượng úy Trương Văn Thắng, Trưởng Công an xã Hướng Việt)".

Khu vực quanh nhà của ông Vức so với 3 năm trước thì mặt đất đã bị biến dạng, một lớp đất đá lấp dày gần cả mét khiến đám ruộng, vườn để gia đình canh tác đã trở thành "vùng trắng". Ông Vức kể chuyện con trai là Hồ Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Việt đi kiếm người mất tích, còn ông ở nhà và... "ụp một phát, nước từ trên núi cuốn theo cây, gỗ ùa xuống, dâng cao tới 2 mét, trôi về suối Tờ Ka, ông cũng đã may mắn thoát chết giữa dòng suối bùn".

Trong lúc ông kể chuyện thì vợ là bà Hồ Thị Bông ra cài lại các thanh gác chắn ngoài chuồng lợn. Sau 3 năm, gia đình vẫn chưa gầy lại được đàn gia súc bị trôi trong lũ quét, đó là hơn 30 con lợn, một đàn dê hàng chục con, bầy gà... Ông kể rằng, nhiều nhà hết sạch gia súc, sau đợt lũ thì có nhiều đoàn về thăm, tặng quà, sau đó thì bà con tự lực.

Ruộng chôn dưới núi

Ở xã Hướng Phùng nằm phía Nam của đèo Sa Mù, cuộc sống của đồng bào trên vùng cao 400 mét so với mực nước biển đã sớm quay trở lại bình thường. Ông Hà Ngọc Anh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, người dân vẫn gắn bó với cây cà phê Arabica, một số hộ chuyển sang trồng cà phê hữu cơ để phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh.

Chị Hồ Thị Thanh đã cho người đào thử một hố sâu 0,5 mét xuyên qua đá núi, nhưng vẫn chưa chạm được tới mặt đất ruộng

Còn ở xã Hướng Việt, người dân lại đang chật vật với những mảnh ruộng đất thịt nhưng đã hóa đá suốt 3 năm nay. Cùng gia cảnh giống như nhiều đồng bào ở nơi đây, gia đình chị Hồ Thị Thanh vẫn chưa khắc phục nổi "vết thương" do núi lở. Chị dẫn tôi ra sau nhà, đi xuống nơi từng là đám ruộng xanh tốt, bây giờ trở thành một bãi đá sỏi. Chị Thanh và những người hàng xóm gần đó cho biết, bình quân mỗi mùa cấy, thu hoạch được 20 bao lúa, gần đủ gạo ăn trong một năm. Bây giờ thì không còn ruộng, địa phương cũng có hỗ trợ, nhưng chi phí để đào toàn bộ đất, đá đã lấp dày hàng mét trên một đám ruộng mấy trăm mét vuông là điều ngoài khả năng của gia đình.

Chị Thanh chỉ sang một đám ruộng hiếm hoi của người hàng xóm ở bên cạnh, đám ruộng trông giống như một ao nuôi cá, nằm trũng sâu giữa một vành đai xung quanh là đất đá. Cải tạo ruộng trên đá là điều rất khó khăn. Ông Hồ Viết Lờ, một người dân địa phương chỉ ra một vùng đất sỏi đá ở đầu làng và nói bằng tiếng đồng bào Bru Vân Kiều: "pây tấc bây chà”, nghĩa là giờ hết ruộng và chỉ kiếm đủ ăn thôi. "Nhơ nưa" - nỗi buồn. Sau 3 năm, đồng bào không còn nhắc đến nhơ nưa. Nhưng nếu ai đó hỏi về ruộng nương bây giờ ra sao? Nhơ nưa sẽ hiện ra trong ánh mắt của họ...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang