Hình ảnh về một địa phương mang nhiều nét cũ kỹ, chật chội với sự phát triển không đồng bộ về hạ tầng dần được rũ bỏ. Gò Vấp ngày nay đã khoác lên mình chiếc áo của một đô thị hiện đại. Đây là quả ngọt đến từ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Q.Gò Vấp.
Đổi thay ở những xóm nhỏ ven đường tàu
Dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai (Vành đai trong) nay là đường Phạm Văn Đồng (đoạn đi qua địa bàn Q.Gò Vấp) được đánh giá là một trong như dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được TP triển khai giúp Q.Gò Vấp phát triển, thay đổi rõ rệt.
Trước khi mở đường Phạm Văn Đồng, khu vực này được người dân biết đến với tên gọi “Sở Thùng”. “Sở Thùng” vốn là những con hẻm ngoằn ngoèo, chằng chịt đan xen nối địa bàn 2 quận là Gò Vấp và Bình Thạnh.
Người dân sinh sống nơi đây ngày ngày chen chúc trong những khu xóm nhà tôn xập xệ bên bờ kênh đen ngòm. Ngày ngày, họ nương theo đường tàu để kiếm sống.
Đường Phạm Văn Đồng hiện đại mở ra đã giúp thay đổi đáng kể diện mạo của Q.Gò Vấp
Trong hành trình điểm lại những công trình đã làm “thay da đổi thịt” trên vùng đất Gò Vấp, phóng viên (PV) có dịp lắng nghe tâm sự từ những bậc cao niên có tuổi thơ gắn liền bên những kênh rạch thuở vẫn còn xanh trong, rồi ngậm ngùi chứng kiến nó chuyển thành màu đen ngòm theo tốc độ đô thị hóa.
Nơi đây từng là điểm đen về tệ nạn xã hội, là nơi mà không ai muốn ghé đến. Thế rồi vào một ngày cuối năm 2013, đường Phạm Văn Đồng mở ra đem đến nhiều đổi thay mà chính người dân tại chỗ cũng không thể ngờ được...
Đường Phạm Văn Đồng đi qua Q.Gò Vấp có 1.273 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong số này có nhiều người rơi vào cảnh bị giải tỏa “trắng”. Một thời gian dài, cư dân khu này “dậy sóng” vì chuyện giải tỏa, đền bù.
Thế nhưng, giờ đây, những khu “ổ chuột” ngày nào đã nhường chỗ cho những căn nhà mặt tiền, các con hẻm khang trang, sạch đẹp.
Những cầu vượt hiện đại, kiên cố được dựng lên ở những giao lộ lớn giúp giải bài toán khó về áp lực giao thông cho Q.Gò Vấp
Trao đổi với PV, đại diện UBND Q.Gò Vấp cho biết, những dự án, công trình trên đến nay đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả.
Để đạt được kết quả đó, Quận ủy, UBND Q.Gò Vấp và cả hệ thống chính trị của quận luôn xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là rất quan trọng nên cần phải thông tin, giải thích rõ để người dân hiểu và đồng thuận thực hiện dự án.
“Do đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người có đất bị thu hồi, nhưng phải bảo đảm đúng quy định pháp luật” – đại diện Q.Gò Vấp thông tin.
Gò Vấp ngày nay đã khoác lên mình chiếc áo của một đô thị hiện đại
Ngoài dự án đường Phạm Văn Đồng, hàng loạt các dự án khác như đường Phạm Văn Bạch; dự án mở rộng cầu Hang Ngoài; dự án Xây dựng cầu vượt thép nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm… cũng được triển khai có hiệu quả.
Cải tạo dòng kênh đen
Rạch Xuyên Tâm dài gần 9km chảy qua Q.Bình Thạnh và Q.Gò Vấp được xem là một trong những tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất tại TPHCM.
Dự án nạo vét, cải tạo và xây dựng hạ tầng cho tuyến rạch đã được thai nghén, ấp ủ suốt hàng chục năm qua vừa được TPHCM phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng (từ vốn ngân sách).
Dự án gồm tuyến rạch chính dài gần 6,7km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và ba nhánh dài hơn 2,2km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi). Lòng rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét sâu 3,5m, rộng 20 - 30m cùng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đồng bộ.
Con đường ven sông thuộc dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang dần thành hình
Cùng với việc cải tạo môi trường kênh, hai bên bờ sẽ được xây dựng đường, mỗi bên hai làn xe rộng 6m, vỉa hè 3 - 4m, cùng công viên, mảng xanh, hệ thống chiếu sáng...
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư), tuyến rạch phần đi qua Q.Gò Vấp sẽ khởi công trước vào tháng 8/2024 và hoàn thành vào tháng 4/2025.
Còn Q.Bình Thạnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng vào tháng 4/2025 để chủ đầu tư khởi công các gói thầu xây lắp đoạn qua địa phương này. Việc cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2028 giúp giảm ô nhiễm, tạo diện mạo mới cho khu vực.
Ngoài dự án rạch Xuyên Tâm, tại Q.Gò Vấp, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM làm chủ đầu tư sẽ giúp TP chống ngập có hiệu quả, giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông trục Bắc - Nam của TP.
Những con đường uốn lượn bọc theo chiều dài sông Vàm Thuật sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo của Q.Gò Vấp trong tương lai
Tính đến hết tháng 4/2024, dự án đã thực hiện được khoảng hơn 33% khối lượng dự án. Chỉ vài năm nữa thôi, một con đường bằng phẳng với những điểm nhấn đặc biệt sẽ xuất hiện, uốn lượn theo chiều dài con sông Vàm Thuật.
Ngoài ra, trong năm 2024, Q.Gò Vấp còn triển khai hàng loạt công trình khác như: dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ và Thống Nhất. Hệ thống thoát nước trên địa bàn quận hoàn thành sẽ giảm thiểu ngập nước khi trời mưa, thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Khi ấy, diện mạo của TP sẽ có sự thay đổi ngoạn mục. Sự thay đổi đã bắt đầu ngay từ ngày hôm nay...
Không ngừng chuyển mình (!)
Chỉ trong một thập kỷ trở lại đây, nhiệm vụ chỉnh trang đô thị là một trong những điểm nhấn quan trọng của Q.Gò Vấp. Địa phương này đã xác định rõ các mục tiêu như: tiếp tục đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng văn hóa - xã hội trên địa bàn quận, tập trung đầu tư hoặc kiến nghị phân kỳ đầu tư đối với chín công trình trọng điểm; huy động các nguồn lực phát triển đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường; tăng thêm mảng xanh, giảm ngập, hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn, góp phần xây dựng cảnh quan đô thị khang trang, phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt; giải tỏa nhà ở lấn chiếm kênh, rạch.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp chia sẻ với PV Chuyên đề Công an TPHCM về những sự thay đổi mạnh mẽ của vùng đất chiến lược phía Bắc thành phố
Quận đã chú trọng huy động các nguồn lực tham gia đầu tư các dự án, công trình hạ tầng giao thông, thường xuyên duy tu, nâng cấp đường, hẻm do quận, phường quản lý.
Hiện thực hóa các mục tiêu đó, từ 2016 đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị của quận đã được nâng cấp và cải thiện đáng kể; các hạng mục hạ tầng xã hội đô thị đã được quan tâm đầu tư nhóm công trình trường học, văn hóa, thể dục thể thao, bảo đảm việc cung cấp nước sạch liên tục cho người dân; tăng diện tích cây xanh; các khu phố sạch đẹp; môi trường sống được cải thiện...
Các khu dân cư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội được tiếp tục đầu tư và hoàn thành, góp phần xây dựng đô thị khang trang, hiện đại. Các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn quận được mở rộng, nâng cấp. Hoàn thành các công trình thoát nước, cơ bản giải quyết chống ngập nhiều khu vực ngập cục bộ do chưa có hệ thống thoát nước.
Phối cảnh các tuyến đường hiện đại trong tương lai ở Q.Gò Vấp
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Q.Gò Vấp xác định trong giai đoạn 2020 - 2025 là tiếp tục thực hiện chương trình trọng điểm về giảm ô nhiễm môi trường và đề án xây dựng đô thị thông minh tại Q.Gò Vấp giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị như: Nâng cấp, mở rộng đường Lê Đức Thọ (đoạn từ đường Lê Văn Thọ đến đường Nguyễn Oanh); xây dựng mới 300 phòng học; xây dựng Trung tâm bơi lội…
Chỉ trong một thập kỷ trở lại đây, diện mạo của Gò Vấp được “lột xác”. Hàng loạt các công trình giao thông liên tiếp được hoàn thiện, đưa vào phục vụ đời sống dân sinh đã giúp địa phương giải bài toán khó về ách tắc giao thông gây ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế.
Đây là quả ngọt đến từ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Q.Gò Vấp.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp
Bên cạnh nhiệm vụ tập trung cải tạo, phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn, UBND Q.Gò Vấp còn là đơn vị tích cực thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. Sau 2 năm tích cực triển khai, thực hiện Đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06).
Đến nay Q.Gò Vấp đã sẵn sàng bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển mình để đáp ứng với vòng xoáy công nghệ đang phát triển như vũ bão. Từ năm 2022 đến nay, Q.Gò Vấp đã nâng tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính trên dịch vụ công từ 45% lên hơn 90%, một số thủ tục đạt 100%.
Đây cũng là quận, huyện đầu tiên trên cả nước triển khai các điểm hỗ trợ dịch vụ công, Bộ Công an ghi nhận và nhân rộng tại các địa phương khác.
(CATP) Sau 2 năm tích cực triển khai, thực hiện Đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06), đến nay Q.Gò Vấp đã sẵn sàng bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển mình để đáp ứng với vòng xoáy công nghệ đang phát triển như vũ bão. Tất cả vì một mục tiêu: Chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử!