Kỳ án lối đi biến thành "đất trống" và "sân chung" ở Q.Gò Vấp, TPHCM:

Khốn khổ hơn 20 năm vì một chữ… "nhầm" (!)

Thứ Sáu, 08/01/2021 12:58

|

(CATP) Cụ Trần Thị Phới, ngụ Nguyễn Thái Sơn, P4, quận Gò Vấp (QGV) khởi kiện từ năm 2006 đến 2011 thì qua đời nhưng vụ án chỉ mới xử xong sơ thẩm. Bản án sau đó bị tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy để xử lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên. Thụ lý lại từ cuối năm 2011 nhưng kéo dài đến nay đã gần một thập niên, tòa cấp sơ thẩm vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử khiến gia đình nguyên đơn kêu cứu khắp nơi vì chịu quá nhiều thiệt hại…

RỐI VÌ LỐI ĐI NẰM TRONG SỔ HỒNG

Kèm chứng cứ và đơn kêu cứu, ông Nguyễn Hoàng Đức (con cụ Phới, SN 1956, ngụ Nguyễn Thái Sơn, P4, QGV) trình bày: Ngày 23-12-1969, vợ chồng cụ Tạ Đăng Mai ký bán thửa đất thuộc bằng khoán số 612 với diện tích 2.570m2 cho hai cụ Trần Thị Phới (600m2) và cụ Nguyễn Thị Báo (1.970m2).

Tờ đoạn mãi (mua bán đất) ghi rõ cam kết của bên mua: cụ Báo phải chiết ra 500m2 và cụ Phới chiết 50m2 để làm thông hành địa dịch (lối đi chung). Tuy nhiên, cả hai không thực hiện mà sử dụng lối đi chung hiện hữu nằm trên phần đất 1.970m2 dẫn ra đường Nguyễn Thái Sơn.

Ngày 9-2-1998, cụ Báo được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) số 2621/98 tại địa chỉ 192 Nguyễn Thái Sơn P4, QGV với diện tích xây dựng 663,87m2 trên phần đất 1.947m2, trong đó có cả lối đi chung thể hiện là "đất trống".

Năm 2003, cụ Phới làm thủ tục xin cấp sổ hồng căn nhà 256/2 (số mới 246A) Nguyễn Thái Sơn nhưng cụ Báo không đồng ý ký xác nhận vào giấy thỏa thuận có lối đi chung dẫn đến khiếu nại. UBND P4, QGV mời 2 bên làm việc, lập biên bản ngày 8-5-2003. Sau khi được phường phân tích, giải thích, hai bên đã thống nhất: "Hộ bà Báo, đại diện là anh Đoàn Đình Thạnh (con bà Báo) đồng ý thỏa thuận xác định lối đi vào nhà của hộ bà Phới từ trước đến nay là lối đi chung và vẫn giữ nguyên". Biên bản có chữ ký của cụ Báo và ông Thạnh.

Từ biên bản này, cụ Phới được UBND QGV cấp sổ hồng số 5935/2003 ngày 2-6-2003 nhà đất 256/2 Nguyễn Thái Sơn. Năm 2006, phía gia đình cụ Báo cho xây nhà rửa xe đè lên đường cống thoát nước của gia đình cụ Phới. Không thể sử dụng cống cũ, gia đình cụ Phới làm đường cống mới nằm trên lối đi chung nhưng phía cụ Báo ngăn cản.

Cụ Phới khởi kiện, yêu cầu tòa án công nhận lối đi chung có từ năm 1969 đến nay với diện tích theo bản đồ hiện trạng do Trung tâm đo đạc bản đồ vẽ là 210,3m2.

Ông Đoàn Đình Thạnh trình bày: Năm 1998, cụ Báo làm hồ sơ xin cấp sổ hồng diện tích đất 1.947m2. Gia đình ông đã thực hiện nghĩa vụ thuế nhiều năm trên diện tích đất được công nhận nên phần lối đi mà phía cụ Phới đang sử dụng thuộc chủ quyền của gia đình ông, được ghi là "đất trống" trong số hồng. Do đó, ông không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn.

Lối đi chung đang tranh chấp đã có từ năm 1969

KHI UBND QUẬN THỪA NHẬN CÓ SAI SÓT…

Vụ kiện được TAND QGV thụ lý ngày 16-5-2006. Do có tình tiết phức tạp nên vụ án được chuyển lên TAND TPHCM giải quyết từ tháng 12-2006. Sau gần 5 năm cụ Phới khởi kiện, vụ án mới được TAND TPHCM đưa ra xét xử ngày 28-12-2010, tuyên án ngày 4-1-2011. Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận của các bên, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định:

Tại biên bản hòa giải ngày 8-5-2003, phía cụ Báo thừa nhận phần lối đi chung hiện hữu và đồng ý để hai gia đình sử dụng. Tại phiên tòa, ông Thạnh cho rằng: Phần đất tranh chấp không phải lối đi chung mà thuộc quyền sở hữu cụ Báo là không có cơ sở. Bị đơn thừa nhận nội dung và chữ ký của ông và cụ Báo tại biên bản hòa giải ở UBND P4, QGV nhưng cho rằng, biên bản này không có giá trị, vì lúc bấy giờ ông không phải là đại diện của cụ Báo là không đúng. Việc ông Thạnh tham gia hòa giải cùng với cụ Báo lúc còn sống là chủ sở hữu nhà đất không làm thay đổi nội dung mà cụ Báo đã thỏa thuận trong biên bản.

Tại công văn 703/UBND-TNMT ngày 25-8-2006, UBND QGV thừa nhận việc cấp sổ hồng số 2621/98 cho cụ Báo khi chưa xem xét lối đi chung là sai sót vì khi đó, hộ cụ Phới không có lối đi. Từ đó, dẫn đến cấp hồng số 5935/2003 cho cụ Phới cũng sai vì không có lối đi mà thể hiện "sân chung" không chính xác.

Từ nhận định trên, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, công nhận phần đất 210,3m2 là lối đi chung giữa hộ gia đình cụ Phới và hộ gia đình ông Thạnh. Hai bên có trách nhiệm liên hệ cơ quan chức năng để điều chỉnh lại sổ hồng đối với phần diện tích 210,3m2 nêu trên.

HĐXX kiến nghị UBND TPHCM và UBND QGV điều chỉnh sổ hồng số 2621/98 và 5935/2003 với phần 210,3m2 làm lối đi chung của hai hộ gia đình.

QUAY MỘT VÒNG, MẤT GẦN THẬP NIÊN…

Không đồng ý bản án, bị đơn kháng cáo. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM mở phiên tòa ngày 13-9-2011 với HĐXX gồm 3 thẩm phán Hồ Thị Thanh Loan (chủ tọa), Huỳnh Lập Thành và Phạm Công Hùng, tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND TPHCM xét xử lại. Theo HĐXX, các sổ hồng do UBND TPHCM cấp, UBND QGV chưa đủ thẩm quyền phúc đáp cho tòa việc cấp giấy chủ quyền này. Tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét giải quyết đầy đủ và toàn diện vụ án dẫn đến thiệt hại quyền lợi chung của các đương sự.

Ông Nguyễn Hoàng Đức trình bày: Ngày 19-10-2011, TAND TPHCM ra thông báo thụ lý lại vụ kiện nhưng mãi đến ngày 18-2-2019, thẩm phán Nguyễn Thị Thu Hằng mới ký quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, đến ngày 5-3-2019, thẩm phán Hằng ký quyết định hoãn phiên tòa với lý do phía bị đơn "có đơn khiếu nại đề ngày 5-3-2019"; thời gian mở lại sẽ thông báo sau.

Chờ quá lâu không thấy tòa xét xử nên phía nguyên đơn làm đơn khiếu nại. Ngày 24-7-2019, TAND tối cao có văn bản nêu rõ: Sau khi báo cáo Chánh án TAND tối cao, Văn phòng TAND tối cao chuyển đơn của ông Nguyễn Hoàng Đức đến TAND TPHCM để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tiếp đến ngày 28-8-2019, VKSND TPHCM có văn bản chuyển đơn khiếu nại của ông Đức đến Chánh án TAND TPHCM để giải quyết theo thẩm quyền.

Dù có ý kiến của TAND tối cao nhưng vụ án vẫn bị "ngâm" không rõ lý do nên gia đình tiếp tục có đơn khiếu nại. Ngày 9-11-2020, TAND tối cao có văn bản thứ hai gửi Chánh án TAND TPHCM xem xét, giải quyết.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND TPHCM, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP chuyển đơn của ông Đức đến Chánh án TAND TPHCM chỉ đạo, rà soát giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật, trả lời đương sự, đồng thời thông tin kết quả giải quyết cho Thường trực HĐND TPHCM trong thời hạn 7 ngày.

Trao đổi với PV Báo CATPHCM sáng 6-1-2021, ông Đức bức xúc: "Từ lúc tòa sơ thẩm thụ lý lại vụ án kéo dài đến nay đã hơn 9 năm, khiến gia đình chịu nhiều thiệt hại. Căn nhà xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ, xuống cấp nghiêm trọng có thể bị sập bất cứ lúc nào nhưng không được sửa chữa vì xảy tranh chấp. Cả điện, nước sạch cũng phải câu nhờ rất khó khăn. Khốn khổ hơn, khi mùa mưa đến, nước ngập lênh láng, tràn vào nhà do không có cống thoát nước... Đó là lý do ngày từng ngày, tôi mong mỏi vụ án được đưa ra xét xử với một bản án công tâm, khách quan để pháp luật được thực thi, gia đình ổn định cuộc sống".

Bức xúc dẫn đến khiếu nại, kêu cứu của gia đình ông Đức là chính đáng, có căn cứ. Rất mong TAND TPHCM sớm hoàn tất hồ sơ, đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang