(CAO) Nhiều người mắc đái tháo đường nhưng chủ quan, không kiểm soát tốt bệnh, không tuân thủ điều trị,... dẫn đến nguy cơ phải đoạn chi, đe dọa cả tính mạng.
Đoạn chi 2 lần do chủ quan
Bệnh nhân 70 tuổi, bị đái tháo đường típ 2 đến nay đã 20 năm. Người bệnh đã từng cắt cụt các ngón chân trái do nhiễm trùng. Tuy nhiên kể từ đó, bệnh nhân không tái khám và theo dõi bàn chân thường xuyên.
Một năm sau, khi thấy đầu ngón chân mình bị thay đổi màu sắc, chuyển dần sang màu đen; nhưng do không có cảm giác đau hay khó chịu nên bệnh nhân không quan tâm và không để ý nữa, cho đến khi vùng hoại tử đen ngày càng lan rộng, loét và nhiễm trùng, người nhà mới đưa bác đến bệnh viện địa phương trong tình trạng hoại tử nhiễm trùng ngón 4, ngón 5 bàn chân trái và được chỉ định cắt cụt chi lần hai.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, vết thương vẫn không lành và tình trạng hoại tử chân tiếp tục lan rộng. Người bệnh được chuyển lên điều trị tại BV Đại học Y dược TP.HCM. Sau khi các chuyên gia nội tiết, mạch máu, chấn thương chỉnh hình… hội chẩn và đánh giá, người bệnh được chỉ định điều trị bằng việc can thiệp tái thông mạch máu nuôi bàn chân, cắt lọc các mô hoại tử, chăm sóc tích cực vết thương, ổn định nội khoa, kiểm soát đường huyết thật tốt.
Sau 6 tuần chăm sóc tích cực và theo dõi, vết thương của bệnh nhân đã lành, tuy nhiên không thể trả lại cho bệnh một bàn chân như người bình thường.
Bác sĩ thăm khám bàn chân cho một bệnh nhân đái tháo đường
Một trường hợp khác, nữ bệnh nhân 54 tuổi, bị đái tháo đường nhiều năm nhưng không được kiểm soát tốt. Một tuần trước nhập viện, bệnh nhân thấy bàn chân ngứa, sưng tấy, nóng đỏ, đau và nổi nhiều bóng nước, nhưng vẫn không đi khám bệnh mà tự mua thuốc uống.
Đến khi sốt cao lạnh run, nhiễm trùng ở chân lan rộng nhiều, người bệnh mới tìn đến khám và điều trị. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đánh giá đây là tình trạng nhiễm trùng nặng, tụ dịch ở bàn chân và lan rộng hết cẳng chân bên trái, khả năng cắt cụt chi cao và tình trạng nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt lọc vết thương, dẫn lưu mủ, cố gắng bảo tồn chân cho người bệnh. Sau 3 tháng điều trị nội khoa và chăm sóc vết thương tích cực, cuối cùng, người bệnh cũng đã lành vết thương và giữ được bàn chân của mình.
'Đại dịch' đái tháo đường
Đái tháo đường được xem là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỉ 21 vì tính chất phổ biến và những biến chứng nguy hiểm của nó gây ra cho người bệnh như đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim,…
Tuy nhiên, một loại biến chứng đái tháo đường cũng rất nguy hiểm nhưng lại ít được người bệnh quan tâm là những tổn thương bàn chân do đái tháo đường, nếu không được điều trị kịp người bệnh có nguy cơ phải đoạn chi và thậm chí có thể bị đe dọa tính mạng.
TS BS. Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, biến chứng loét chân do đái tháo đường là một biến chứng khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân nhập viện hàng đầu của người bị đái tháo đường.
Ước tính hàng năm có khoảng 1 – 4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân và 10 – 15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất 1 lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương ở người bệnh đái tháo đường.
Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ loét chân và cắt cụt chi ở người bệnh đái tháo đường bao gồm: thời gian mắc bệnh kéo dài trên 10 năm, đường huyết không được kiểm soát tốt và có nhiều biến chứng kèm theo như biến chứng thần kinh, mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn chân.
Ước tính hàng năm có khoảng 1 – 4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân và 10 – 15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất 1 lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh.
BS CKI. Nguyễn Thành Thuận, Khoa Nội tổng hợp BV Đại học y dược cho biết thêm: “Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh.
Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn. Hơn thế nữa, việc điều trị bàn chân đái tháo đường khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng thời nhiều chuyên khoa".
Theo BS Thuận, vấn đề quan trọng nhất chính là phòng ngừa và phát hiện sớm biến chứng bàn chân do đái tháo đường, từ đó mới có thể làm giảm khả năng cắt cụt chi cho người bệnh.
Nhằm cung cấp cho cộng đồng kiến thức y khoa cách nhận biết sớm các dấu hiệu của biến chứng bàn chân đái tháo đường, người bệnh có thể tham dự "Chương trình sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường". Tại chương trình, người tham dự sẽ được các chuyên gia giải đáp thắc mắc, khám và tầm soát sớm biến chứng bàn chân đái tháo đường, giúp người bệnh phòng ngừa biến chứng nguy hiểm này. Thời gian: 07h30 – 10h00, Chủ nhật ngày 22-7-2018 tại BV Đại học y dược TP.HCM.