Thoát cảnh chân to gấp 3 bình thường, mưng mủ nhiều năm

Thứ Hai, 16/07/2018 18:16  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nữ bệnh nhân 54 tuổi, ngụ TP.HCM nhập viện trong tình trạng chân bị phù nề nặng, đau nhức không thể đi lại được. Thêm vào đó, chân có dịch và mủ chảy rất nhiều.

Thông tin từ Bệnh viện Quốc tế City cho biết, tại đây vừa điều trị thành công cho bệnh nhân suy tĩnh mạch chân lâu năm bằng phương pháp can thiệp laser.

Bệnh nhân cho biết, đã sống với tình cảnh chân phù nề, đau đớn suốt 30 năm qua. Trải qua nhiều lần phẫu thuật chân vẫn không hết, chân cứ sưng to, sinh hoạt, đi lại rất khó khăn.

Sau nhiều lần phẫu thuật ở các bệnh viện lớn, bệnh ở chân vẫn tái đi tái lại, chân và đầu gối sưng phù không thể co duỗi, thỉnh thoảng lại bị sốt gây đau đớn, khó khăn trong sinh hoạt.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng phù chân sau khi mất mô do bệnh lý mạch bạch huyết, kèm theo cơ địa chân bị suy giãn tĩnh mạch lâu năm. Khi bị suy giãn tĩnh mạch dẫn đến chân bệnh nhân bị phù, to gấp 3 lần bình thường, nhiễm trùng mô tế bào - dịch và mủ ở chân tự chảy ra do bị ứ đọng nhiều. Nếu không can thiệp, điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng nặng tái diễn, nguy cơ đoạn chi là rất cao.

Sau khi kiểm tra, làm các xét nghiệm, đội ngũ bác sĩ quyết định điều trị nội khoa bằng phương pháp can thiệp với laser.

Sau khi can thiệp laser tĩnh mạch thành công, chân bệnh nhân bớt sưng phù, vùng da sưng đã chùng xuống, có thể đi lại thoải mái hơn, sinh hoạt bình thường.

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác, nhưng hiện nay nó cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới.

Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là làm gia tăng áp lực bên trong hệ tĩnh mạch chân và gây ra các biểu hiện lâm sàng.

Các biểu hiện này từ mức độ nhẹ như giãn các tĩnh mạch trong da, giãn các tĩnh mạch nông cho đến mức độ nặng như: Phù chân, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút, các biến đổi da, loét do nguồn gốc tĩnh mạch.

Những người có nguy cơ cao mắc là phụ nữ trong độ tuổi 35-50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều.

Cụ ông 104 tuổi nguy cơ đoạn chi vượt qua ca phẫu thuật ngoạn mục
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang