Khu vực Đông, Đông Nam Á:

1 tỷ viên Methamphetamine và những thách thức đáng ngại

Thứ Ba, 31/05/2022 10:56

|

(CATP) Liên hợp quốc (LHQ) hôm thứ hai, 30-5-2022, cho biết số viên nén Methamphetamine (meth) thu giữ được ở Đông và Đông Nam Á (ĐNA) trong năm ngoái lần đầu tiên đã vượt quá 1 tỷ viên, cho thấy quy mô của việc buôn bán, sản xuất ma túy trái phép trong khu vực cùng những thách thức trong việc chống lại vấn nạn này.

Theo Văn phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ, 1,008 tỷ viên Methamphetamine là một phần của đợt thu giữ gần 172 tấn meth trên toàn khu vực và cao gấp 7 lần so với lượng thu giữ được 10 năm trước đó. Ma túy chủ yếu được tiêu thụ ở ĐNA nhưng cũng được xuất sang New Zealand, Úc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản ở Đông Á và ngày càng tăng ở Nam Á.

Jeremy Douglas - đại diện khu vực Nam Á của cơ quan LHQ - hôm đầu tuần được AP dẫn lời chia sẻ trong buổi phỏng vấn qua email cho biết: "Việc sản xuất, buôn bán meth đã tăng mạnh trở lại do nguồn cung tập trung nhiều ở khu vực sông Mekong, đặc biệt là ở Thái Lan, Lào và Myanmar". Báo cáo cho biết, việc sản xuất gia tăng khiến ma túy rẻ hơn đồng thời dễ tiếp cận hơn, tạo ra rủi ro lớn hơn cho người dân và cộng đồng của họ.

Meth rất dễ sản xuất và đã thay thế thuốc phiện cùng các chất dẫn xuất của nó để trở thành loại ma túy bất hợp pháp thống trị ở khu vực ĐNA về cả việc sử dụng lẫn xuất khẩu. Vùng Tam giác vàng, nơi giáp ranh giữa Myanmar, Lào và Thái Lan, có lịch sử là khu vực sản xuất thuốc phiện chính và nhiều phòng thí nghiệm chuyển nó thành heroin. Nhiều thập kỷ bất ổn chính trị đã biến các khu vực biên giới của Myanmar hầu như trở nên vô trật tự và bị những kẻ buôn bán, sản xuất ma túy lợi dụng.

Cơ quan của LHQ cho biết, do vấn đề quản trị hạn chế và mức độ ít quan tâm đến vấn đề này, các đường dây tội phạm có phương tiện để tiếp tục sản xuất thêm meth và bán nó cho một nhóm dân số trẻ đang phát triển với khả năng chi tiêu gia tăng.

Cảnh sát Thái Lan và các gói Methamphetamine thu giữ được trong cuộc họp báo ở Bangkok, hôm 15-7-2019

Bối cảnh chính trị cũng hỗ trợ những kẻ buôn người. Tại Myanmar, năm ngoái quân đội đã giành quyền lực từ một chính phủ dân cử và hiện đang tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống lại những kẻ thù của chế độ quân sự. Hoạt động sản xuất ma túy ở Myanmar thường liên quan đến các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang. Những nhóm này đôi khi gây chiến lẫn nhau và với chính phủ.

Douglas cho biết: "Mọi nhóm đều phủ nhận liên quan đến sản xuất và buôn bán ma túy đồng thời đổ trách nhiệm cho nhóm khác, nhưng ma túy được cho là phần lớn nhất của nền kinh tế ở nhiều khu vực biên giới của Myanmar và có các thông tin kết nối các nhóm với những phòng bào chế".

Báo cáo cũng cho Lào là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất từ việc buôn bán meth ngoài Myanmar. Một trong những vụ triệt phá đường dây ma túy lớn nhất châu Á được thực hiện ở Lào vào tháng 10 năm ngoái, trong đó cảnh sát địa phương đã thu giữ hơn 55,6 triệu viên Methamphetamine trong một cuộc đột kích đồng thời tịch thu 65 gói meth tinh thể, còn gọi là ma túy đá.

Cơ quan LHQ cho biết, họ lo ngại các tập đoàn tội phạm đang nhắm vào Campuchia để lén lút hình thành các địa điểm sản xuất ma túy. Theo báo cáo, một phòng bào chế bí mật bị dỡ bỏ vào năm ngoái là cơ sở quy mô công nghiệp được thành lập nhằm sản xuất Ketamine cùng các loại ma túy tiềm ẩn khác. Ketamine được sử dụng hợp pháp như chất gây mê, nhưng việc sản xuất nó một cách phi y tế và bí mật khiến cơ quan LHQ lo ngại.

Nhiều quốc gia đã cố ngăn việc sản xuất meth bằng cách chặn nguồn cung cấp các tiền chất, thường là Ephedrine và Pseudoephedrine, được biết đến nhiều nhất là thành phần của thuốc trị nghẹt mũi. Nhưng cơ quan LHQ cho biết, một số nhà sản xuất meth rõ ràng đã biết cách tạo ra những tiền chất này từ các chất không được kiểm soát để có thể mua bán tự do, hợp pháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang