EU chia rẽ về chiến lược phòng thủ chung

Thứ Năm, 07/10/2021 10:05

|

(CATP) Các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã không vượt qua được sự chia rẽ về việc có nên phát triển lực lượng phòng thủ độc lập không, dù vẫn phẫn nộ trước sự rút lui hỗn loạn của các lực lượng phương Tây khỏi Afghanistan và cơn giận mới nổi lên từ Pháp sau khi họ bị loại khỏi 1 hiệp ước địa chiến lược của Mỹ.

Báo cáo của Reuters hôm thứ tư, 6-10-2021, cho biết cuộc gặp của các nhà lãnh đạo trong bữa tối ở Slovenia vào đêm trước đó đã phân chia thành các nhóm cổ điển gồm những quốc gia ở phía đông vốn đang e sợ Nga và muốn củng cố châu Âu trong nội bộ NATO cùng những quốc gia do Đức, Italy, Tây Ban Nha, Pháp dẫn đầu đang muốn gia tăng năng lực của EU.

Dẫn nguồn từ 2 nhà ngoại giao liên quan đến cuộc họp, PV Reuters cho hay trước bữa ăn kín ở lâu đài bên ngoài thủ đô Ljubljana, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong lúc trao đổi với báo giới đã cho biết, khối 27 quốc gia phải làm nhiều hơn nữa để quản lý các cuộc khủng hoảng tại khu vực biên giới của mình và chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm qua có sự tham dự của 6 lãnh đạo các quốc gia vùng Balkan gồm Serbia, Montenegro, Bosnia, Bắc Macedonia, Kosovo, Albania, một phần trong chiến lược kéo dài hàng thập kỷ của EU nhằm tạo ra "vòng tròn bạn bè” từ Đông Nam châu Âu tới Bắc Phi.

Ông Macron cho biết: "Người châu Âu chúng tôi cần phải rõ ràng với chính mình". Nêu câu hỏi với độ tin cậy của Mỹ trong việc bảo vệ châu Âu trước sự tranh cãi hồi tháng trước về 1 hiệp ước Ấn Độ - Thái Bình Dương, Tổng thống Pháp nói: "Điều gì quan trọng với chúng tôi, về an ninh, các biên giới hay sự độc lập?".

Tranh cãi xuyên Đại Tây Dương phát sinh vào tháng trước, xuất phát từ cuộc đàm phán bí mật của Mỹ về Hiệp ước quân sự AUKUS với Úc và Anh nhằm chống lại sự ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, mà không có sự tham gia của Pháp. Tổng thống Macron cho biết, ông sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Hội nghị của Nhóm 20 (G20) tại Rome từ ngày 30 đến 31-10.

Những người ủng hộ việc EU phải tự thực hiện 1 biện pháp phòng thủ mạnh mẽ hơn cho biết đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo như: Washington "xoay trục tới châu Á", vương quốc Anh rời khỏi khối, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các ưu tiên của EU suy yếu, nhiều quốc gia ở biên giới của EU không thực hiện được 2 chức năng cơ bản trong hệ thống thế giới hiện đại, như không thể thực hiện được quyền kiểm soát đối với lãnh thổ và dân cư, năng lực quản trị quá yếu và một nước Nga ngày càng quyết đoán. Nhưng bất chấp những tiến bộ trong việc xây dựng quỹ phòng thủ chung để cùng phát triển vũ khí, EU vẫn chưa thể triển khai các nhóm chiến đấu quy mô cấp tiểu đoàn trong cuộc khủng hoảng.

Các lãnh đạo vùng Balkan và EU dự cuộc họp không chính thức trước Hội nghị thượng đỉnh EU - Balkan ở Slovenia, hôm 5-10-2021 Ảnh: Reuters

Đề cập đến vai trò của EU với tư cách nhà tài trợ lớn nhất và thuộc khối thương mại, một quan chức EU cấp cao cho biết: "Về sức mạnh, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc liệu chúng tôi có cần phải chọn giữa kinh tế hay sức mạnh quân sự không".

Sau những bình luận lạnh lùng từ các quốc gia EU đang sợ phản ứng ở quê nhà về vấn đề di cư, hôm thứ tư người đứng đầu EU đã tìm cách trấn an những hy vọng của 6 thành viên Balkan rằng họ là một gia đình và ngày nào đó sẽ gia nhập khối. Nhưng với "quá trình mở rộng" EU như được hứa cách đây 18 năm đã bị chặn bởi nhiều tranh cãi khác nhau ở cả Brussels (Bỉ) lẫn trong khu vực, nhiều người ở vùng Balkan cảm thấy tuyên bố của EU là sự trống rỗng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cố gắng xua tan cảm giác đó.

Phát biểu với báo giới khi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo Balkan ở Slovenia, bà Von der Leyen nhấn mạnh: "Thông điệp là các quốc gia ở Tây Balkan thuộc Liên minh châu Âu. Chúng tôi muốn họ vào Liên minh châu Âu". Cho đến nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài và đối tác thương mại lớn nhất của 6 quốc gia nổi lên sau sự tan rã của Liên bang Nam Tư và các cuộc chiến tranh sắc tộc trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhưng nỗ lực của Chủ tịch EU là Slovenia nhằm biến năm 2030 thành thời hạn mục tiêu để 6 quốc gia này gia nhập đã không thành công và khối cũng chưa thực hiện được lời hứa hữu hình đối với người dân, chẳng hạn như du lịch miễn thị thực cho Kosovo.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang