(CAO) Năm ngày sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người chết tăng lên khiến thế giới kinh ngạc.
Cảnh quay bằng máy bay không người lái và hình ảnh vệ tinh đã truyền tải thực tế rõ ràng về sự tàn phá trên diện rộng trong một khu vực nằm giữa hai quốc gia rất khác nhau.
Quy mô của thảm họa là rất lớn. Caroline Holt, giám đốc phụ trách thảm họa, khí hậu và khủng hoảng tại Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết: “Chúng tôi đã lập một chút bản đồ về quy mô của khu vực bị ảnh hưởng. Nó bằng kích thước của nước Pháp”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết hôm 8-2 rằng “chúng ta chưa thấy toàn bộ mức độ thiệt hại và cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trước mắt chúng ta” trong khi ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có tới 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Khi các nỗ lực tìm kiếm kết thúc, sự chú ý sẽ chuyển sang việc tái thiết lâu dài hơn. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bị động đất trong quá khứ và đã xây dựng lại. Nhưng có thể học được bao nhiêu từ lịch sử này và liệu những bài học này có được thực hiện? Và những nỗ lực tương tự có được thực hiện xuyên biên giới hay không vẫn là những câu hỏi đang để ngỏ.
Số người chết của trận động đất cả ở cả hai nước đã vượt qua 33.000 (tính đến tối 12/2). Thổ Nhĩ Kỳ không lạ gì với các trận động đất và nhiều người cảm thấy rằng chính phủ đã không chuẩn bị cho một sự kiện như vậy có khả năng xảy ra.
Thiệt hại do trận động đất gây ra
Sự thất vọng này của dư luận đã khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vấp phải chỉ trích trên diện rộng khi ông thực hiện chuyến đi đến vùng Kahramanmaras – gần tâm chấn của trận động đất chết người – vào ngày 7-2 và 8-2. Ông Erdogan bảo vệ phản ứng của chính phủ, thừa nhận “những thiếu sót” trước khi nhấn mạnh rằng “không thể chuẩn bị cho một thảm họa như vậy”.
Ông cũng thông báo rằng mục tiêu của chính phủ là tái thiết lại khu vực thảm hoạ “trong một năm”, mặc dù các chuyên gia nói với CNN rằng có thể mất nhiều thời gian hơn.
Những trận động đất lớn như vậy không xảy ra thường xuyên, nhưng nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn bị ám ảnh bởi ký ức về trận động đất Izmit năm 1999 ở vùng Marmara.
Động đất đã gây ra nhiều thiệt hại vô cùng nặng nề
Ajay Chhibber, một nhà kinh tế từng là giám đốc Ngân hàng Thế giới phụ trách Thổ Nhĩ Kỳ khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra cách đây hai thập kỷ, nói với CNN rằng “nó giống như một bộ phim tồi tệ đã quay trở lại”.
Tương tự như sự kiện tuần này, cơn chấn động đó xảy ra vào đầu giờ nhưng nó xảy ra ở phía tây bắc của đất nước – một khu vực đông dân cư gần Istanbul. Ông cho biết nó kéo dài khoảng 45 giây, khiến hơn 17.000 người chết và ước tính 500.000 người mất nhà cửa.
Bay đến khu vực ngay sau đó, Chhibber nói với CNN rằng ông “chưa từng chứng kiến sự tàn phá lớn như vậy trước đây”.