Trật tự thế giới hậu chiến sự Ukraine: Nga và ba giai đoạn cho một thế cờ đảo ngược?

Thứ Bảy, 09/04/2022 09:53

|

(CAO) Mỹ và các nước phương Tây đã, đang sử dụng các lợi thế tuyệt đối cùng lúc trong cả 3 lĩnh vực kinh tế (KT) - tài chính (TC) - văn hóa (VH) nhằm gây sức ép phi quân sự tổng lực buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine.

Trước tình thế đó, chính quyền của Tổng thống Putin không chỉ triển khai nhiều giải pháp ứng phó để tối thiểu hóa thiệt hại từ các lệnh trừng phạt, mà còn hóa nguy thành cơ, chuyển sự bao vây cô lập của phương Tây với Nga thành xu hướng tăng cường ảnh hưởng của hệ thống các quốc gia thân Nga và trung lập.

Trong 6 tuần lễ diễn ra chiến sự Nga - Ukraine, Chính phủ Nga từng bước đảo ngược thế cờ với các nước phương Tây thông qua ba giai đoạn: (1) Giảm thiểu thiệt hại từ cuộc chiến KT-TC-VH toàn diện từ Mỹ và phương Tây; (2) Thúc đẩy xu hướng gắn kết giữa các quốc gia thân Nga và những nước có quan điểm trung lập; (3) Dùng lợi thế vượt trội về tài nguyên (nhiên liệu, kim loại quý, ngũ cốc) để vận động các nước tiếp nhận hệ thống tài chính phi dollar hóa.

Nga khai thác dầu khí. (Nguồn: Max Andeev)

Giai đoạn đầu chịu sự trừng phạt của phương Tây (24/2 - 15/3)

Khi Mỹ và các nước đồng minh (chủ yếu là châu Âu) áp đặt đồng bộ loạt biện pháp trừng phạt KT, ngắt kết nối tin nhắn TC (ngắt SWIFT), phong tỏa tài sản của giới tài phiệt, bộ máy lãnh đạo và hệ thống ngân hàng (NH) quan trọng của Nga - làm ảnh hưởng đến 50% dự trữ ngoại hối của nước này (khoảng 300/640 tỷ USD) bằng đồng dollar và euro, thêm vào đó là các lệnh trừng phạt có hệ thống trong lĩnh vực văn hoá - thể thao...

Do đó, hiện Nga chỉ có thể huy động dự trữ bằng đồng nhân dân tệ (RMB) (khoảng 13% tổng dự trữ của Nga) và vàng. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc (TQ) đã sớm dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga (ngay sau khi Moscow đưa quân tấn công Ukraine) để thay thế cho lúa mì nhập khẩu từ Ukraine và phương Tây có thể phải đóng cửa do các lệnh trừng phạt tiềm năng, bỏ phiếu trắng khi Liên Hợp Quốc biểu quyết về nghị quyết chống Nga tấn công Ukraine và bị phía tình báo Mỹ cáo buộc được Nga cho biết trước cuộc tấn công, nhưng nhìn chung quan điểm của Mỹ sau đó vẫn giữ lập trường TQ vẫn chưa có động thái nào giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt.

Cho đến khi các NH Nga có dấu hiệu cùng chuyển sang đăng ký hệ thống thẻ thanh toán Union Pay của TQ (có thể thanh toán ở 180 quốc gia) nhằm tránh lệnh trừng phạt, cùng với sự xác nhận của Bộ trưởng TC Nga về việc trông cậy vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh thì phía Mỹ mới chính thức đe dọa trừng phạt kinh tế TQ - được cho là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Hội nghị Rome giữa Mỹ - TQ (ngày 14-3) với kết quả TQ tuyên bố giữ trung lập, không trừng phạt Nga.

Động thái nhất quán của Chính phủ TQ cho thấy Nga đã vận động thành công nước này trở thành nền tảng thị trường thay thế và hỗ trợ vững chắc cho Nga trong giai đoạn đầu ứng phó với các lệnh trừng phạt tổng lực của phương Tây.

Đến vận động thành lập các khối trung gian hòa giải không phụ thuộc Mỹ (15/3 - 31/3)

Đây là diễn biến quan trọng cho sự hình thành trật tự thế giới hậu chiến tranh Nga - Ukraine nhưng lại có nhiều chỉ dấu bất lợi cho Mỹ cũng như các quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng hay có liên kết chặt chẽ với Nga, TQ. Cụ thể, có 3 khối nước tham gia quá trình trung gian cho Nga - Ukraine gồm các nước thân Mỹ: Pháp, Đức; các nước có quan hệ "nước đôi" giữa Nga - Mỹ: Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước được đánh giá thân Nga như: TQ, Belarus.

Trên thực tế, cả 3 khối này đều đang định hình cách tiếp cận vấn đề Nga - Ukraine một cách độc lập, không phụ thuộc/không phối hợp với nỗ lực trung gian đơn phương của Mỹ.

Các luận điểm chính cho cách tiếp cận này là: cần tôn trọng nước Nga và người dân Nga cũng như vai trò tối cần thiết của Nga trong các kiến trúc an ninh chung của châu Âu (từ phía Tổng thống E. Macron của Pháp); NATO không kết nạp Ukraine là quyết định đúng cũng như không có kế hoạch triển khai tên lửa NATO ở Ukraine (từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz); nên thỏa hiệp với Nga (từ Thủ tướng Israel N. Bennett); hay nên đàm phán từng phần với Nga trong thời gian ngắn (theo đề nghị của Tổng thống Belarus A. Lukashenko); và sẽ làm trung gian đàm phán ngừng bắn cũng như phong tỏa tàu chiến tất cả các bên không được tiến qua eo biển Bosphorus để giảm căng thẳng chiến sự (theo đề nghị của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan).

Giá thép tăng do chiến sự Nga - Ukraine dẫn đến giá xây dựng đắt hơn Ảnh: AFP

Tất cả những luận điểm này đều không nhắc đến vai trò hòa giải chủ đạo của Mỹ cũng như sáng kiến Mỹ muốn làm trung gian đàm phán thượng đỉnh cho Nga - Ukraine, đều được triển khai sau các hội đàm thượng đỉnh lần lượt giữa các nước này với Nga, và bản thân TQ cũng hoàn thành tiếp cận với Pháp, Đức tạo "tam giác trung gian" giúp giảm căng thẳng nói riêng trong tình hình chiến sự Ukraine cũng như hạn chế tối đa khả năng khủng hoảng kinh tế thế giới do áp đặt trừng phạt Nga nói chung.

Sự kiện "át chủ bài" của Nga: hệ thống tài chính không sử dụng đồng dollar (31-3 đến nay)

Hệ quả rõ ràng từ cuộc chiến KT-TC toàn diện mà Mỹ và phương Tây áp đặt không chỉ giúp củng cố thêm động lực kiện toàn cho các hệ thống tài chính "phi-dollar hóa", "phi phương Tây" không chỉ từ phía Nga (hệ thống SPFS), mà còn từ cả TQ (hệ thống CIPS, Union Pay), khối BRICS (hệ thống BRICS Pay) và Liên minh châu Âu (hệ thống INSTEX), mà còn tăng cường ảnh hưởng của các giao dịch năng lượng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (petroyuan) của TQ cạnh tranh trực tiếp với sự thống trị của đồng dollar dầu mỏ (petrodollar).

Xu hướng này đang ngày càng phát triển mạnh khi các thông tin về việc Saudi Arabia đồng ý thanh toán bằng nhân dân tệ dài hạn với các hợp đồng năng lượng xuất khẩu qua TQ xuất hiện phổ biến, đặc biệt khi Bắc Kinh dường như đã xây dựng thành công hệ sinh thái của mạng lưới TC cần thiết cho đồng petroyuan khi cho ra đời sàn giao dịch chứng khoán dầu mỏ tiêu chuẩn ở Thượng Hải từ 2018 (Shanghai Oil) và đã thu hút toàn bộ công ty dầu mỏ TQ chuyển trụ sở giao dịch về đây từ sàn NYMEX của Mỹ.

Việc cả Saudi Arabia lẫn UAE không trả lời liên lạc từ Chính phủ Mỹ trong khoảng thời gian này, cũng như sự thiếu hợp tác của cả khối OPEC+ trong suốt giai đoạn Washington kêu gọi tăng nhanh nguồn cung dầu càng khiến sự thống trị ổn định của đồng petrodollar (là kết quả trọng yếu trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia) thêm lung lay.

Quyết định sẽ thanh toán mọi mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Nga (trước hết là khí đốt) bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 31-3 chính là "át chủ bài" mở ra giai đoạn thứ 3 giúp nước này hoàn thiện 3 bước để đảo ngược thế cờ ảnh hưởng của phương Tây.

Từ vị trí quốc gia bị bao vây cô lập, Nga dường như đang từng bước thúc đẩy các xu hướng "phi Mỹ hóa" và "phi dollar hóa", được đánh giá là những chuyển dịch quan trọng định hình trật tự thế giới hậu chiến sự Nga - Ukraine.

Bình luận (0)

Lên đầu trang