(CAO) Dòng người di tản Trung Đông vẫn tiếp tục đổ về các nước Tây Âu do chiến sự và hoàn cảnh sống nghèo khó khiến họ quyết tâm thực hiện hành trình tìm đến một "thiên đường" mới ở trời Âu bất chấp các nước này giờ đang siết chặt chỉ tiêu tiếp nhận người di tản.
Tạo chí Der Spiegel trong bài viết ngày 1-3-2016 đã giới thiệu với độc giả những tuyến đường di tản mới. Điểm trung chuyển cho dòng người đổ về châu Âu vẫn là Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến giờ hơn một triệu người di tản Trung Đông đã dùng con đường nổi tiếng là "đường Balkan" xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ, vượt biển Địa Trung Hải để cập vào một hòn đảo của Hy Lạp, rồi từ Hy Lạp xuyên qua Macedonia, Serbia, Croatia, Slovenia để cuối cùng đến được Áo, rồi từ Áo sang Đức. Nhưng con đường di tản này đã gặp phải sự phản kháng dữ dội của Hungary trước đây, và hiện tại Macedonia cũng quyết định đóng cửa biên giới, khiến cho một số lớn người di tản bị đọng lại ở Hy Lạp, không thể đi tiếp được.
Một con đường mới được mở ra, đi từ cảng Piraeus (ngay tại thủ đô Athen của Hy Lạp) bằng đường biển để cập bến phía Nam của nước Ý. Giá chuyên chở bằng tàu công-tơ-nơ, tàu biển, hay tàu phà cho một người di tản là khoảng 2.500 euro. Ý là thành viên của Liên minh châu Âu, nên khi vào được Ý thì người di tản có thể di chuyển khắp các nước Tây Âu.
Những người di tản hiện đang đọng lại ở Hy Lạp tìm cách đi thẳng từ Hy Lạp qua Ý bằng tàu biển, nếu họ có đủ tiền để mua "vé" tàu.
Một con đường khác là từ Hy Lạp đi về hướng Tây Bắc để vào nước Albania, rồi từ Albania lấy đường biển để đến cảng Apulia của nước Ý. Tuy nhiên, tuyến đường này nguy hiểm hơn cho mạng người vì tàu chuyên chở chỉ là những tàu đánh cá, nguy cơ chìm tàu, hay thiếu lương thực thiếu nước uống trong thời gian vượt biển lớn hơn.
Khả năng các tàu chở người di tản sẽ bị các tàu tuần tra của Ý xua đuổi ra khơi trở lại là lớn, nhưng người di tản thấy con đường này gần hơn cho họ, vì từ cảng Vlore của nước Albania đến cảng biển của thành phố Lecce của nước Ý chỉ có khoảng 100 km.
Một đường bộ khác song song với tuyến đường Balkan cũ, nhưng đi dọc bờ biển của vịnh Adria từ Hy Lạp, qua Albania, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Croatia và Slovenia. Con đường này nguy hiểm vì ngang qua những khu vực chưa được dọn sạch bom mìn của hai cuộc chiến tranh Thế giới.
Tuy thế một số lượng lớn người di tản đã sử dụng tuyến đường bộ này vì lý do kinh tế.
Một tuyến đường bộ khác, chứa đựng nguy cơ xung đột vì những vấn đề tranh chấp lãnh thổ còn đọng lại giữa các nước bị xuyên qua là Albania, Kosovo, Serbia cũng được sử dụng.
Tuyến đường chệch về hướng Đông, xuyên qua Bulgaria và Rumania, rất ít được sử dụng vì quá xa, và các nước Đông Âu rất gay gắt với người di tản Trung Đông.
Hàng rào tại biên giới Bulgaria/Serbia do quân đội Bulgaria kiểm soát đã được xây dựng khẩn cấp trên phần lãnh thổ của họ.
Tuyến đường biển đi thằng từ phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Đen để sang Bulgaria và Rumania hiện rất ít được sử dụng.