Vì nhân dân phục vụ:

Công an TPHCM trên tuyến đầu chống dịch: Tuần tra sau "giờ G"

Thứ Sáu, 30/07/2021 11:38

|

(CATP) Với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", chiều 26-7, Công an TPHCM phối hợp cùng Bộ tư lệnh TP đã tổ chức ra quân chốt chặn, kiểm soát việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giảm mật độ lưu thông trên đường theo Chỉ thị 12 của Thành ủy và Công văn 2490 của UBND TPHCM của người dân trên địa bàn TP.

Trắng đêm vì sức khỏe người dân

Tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc CATP - nhấn mạnh, lực lượng CATP đã triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, toàn diện, mạnh mẽ, chủ động khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống dịch. Ngay trong ngày, CA các phòng nghiệp vụ, CA 21 quận huyện và TP.Thủ Đức phối hợp ra quân, thực hiện tuần tra, kiểm soát khắp các tuyến đường trên địa bàn TP.

Chốt kiểm soát trên đường Bạch Đằng

Đồng hồ điểm "giờ G" áp dụng đối với người dân ra đường trong khung giờ từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, phóng viên Báo Công an TP theo chân Đội CSGT - Trật tự (khu vực 2) CATP Thủ Đức thực thi nhiệm vụ trắng đêm. Trong đêm đầu tiên thực hiện biện pháp chống dịch mới, hầu hết người dân TP.Thủ Đức đã nghiêm túc chấp hành không ra khỏi nhà sau 18 giờ.

Tại Công an quận 3, cán bộ chiến sĩ đã chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng các thiết bị dụng cụ để tiến hành tuần tra. Nhiều người chỉ vội ăn từng gói mì, bánh để cho kịp giờ lên đường. Sau khi rời khỏi trụ sở, các tổ tuần tra tỏa ra nhiều tuyến đường như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Chính Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên, Điện Biên Phủ, CMT8...

Quá trình kiểm soát trên các tuyến đường, chúng tôi ghi nhận có rất ít người tham gia lưu thông. Những tình huống người điều khiển phương tiện đều được lực lượng chặn lại kiểm tra. Phần lớn họ là nhân viên y tế, công nhân vệ sinh... Công an quận 3 chủ động nhắc nhở người dân tuân thủ quy định mà TPHCM đang áp dụng. Trong số này có những trường hợp tham gia giao thông không lý do chính đáng và đã bị xử phạt.

Tại quận 7, từ 18 giờ đến 22 giờ ngày 27-7, đơn vị đã kiểm tra hàng chục phương tiện ra vào địa bàn quận 7 tại trạm kiểm soát. Ngày đầu thực hiện, lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện theo quy định mới. Tuy nhiên, một số trường hợp ra đường không có giấy tờ và không chứng minh được lý do chính đáng nên đơn vị đã tiến hành xử phạt.

Đội CSGT quận 7 cho biết sau khi TP yêu cầu người dân hạn chế ra đường sau 18 giờ, lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông đã giảm đáng kể. Những người ra đường sau 18 giờ chủ yếu là nhân viên phòng chống dịch, người đi cấp cứu hoặc những cá nhân làm trong ngành nghề thiết yếu. Một số trường hợp do chưa sắp xếp được công việc nên về trễ thì lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở trong ngày đầu tiên.

Đại úy Nguyền Trần Đông nhắc nhở người vi phạm trước khi đưa người này về nhà trong đêm

Linh động mọi tình huống

Trong 1 giờ tuần tra trên khắp các tuyến đường như: Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp, Dương Đình Hội, Đình Phong Phú... Tổ công tác CATP Thủ Đức phát hiện 2 trường hợp ra đường không thật sự cần thiết. Cùng ngày, chúng tôi tiếp tục theo chân Đội CSGT - Trật tự (khu vực 1) CATP Thủ Đức để ghi nhận ý thức chấp hành của người dân trên địa bàn.

Hơn 22 giờ, tại khu vực đường Nguyễn Thị Định (P.An Phú, TP.Thủ Đức), tổ công tác phát hiện anh Q. (ngụ P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức) đang di chuyển trên đường nên ra hiệu dừng phương tiện. Bị CSGT kiểm tra, anh Q. cho biết đang trên đường từ công ty về nhà thăm vợ bầu. Nam thanh niên cho biết hiện đang là công nhân một công ty môi trường tại TPHCM.

Thời điểm bị kiểm tra, anh Q. cũng không xuất trình được giấy phép lái xe cùng giấy tờ xe. Sau khi kiên nhẫn giải thích về quy định người dân không ra đường sau 18 giờ của UBNDTP nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính vì lỗi ra đường không có lý do chính đáng và tạm giữ phương tiện của anh Q. 7 ngày. Anh Q. thừa nhận lỗi vi phạm nhưng nài nỉ lực lượng chức năng thông cảm, trả phương tiện để anh về nhà.

Tổ công tác Đội CSGT - Trật tự Công an Q.Bình Thạnh nhắc nhở chị T.

Trước tình huống này, đại úy Nguyễn Trần Đông - Tổ trưởng tổ công tác thuộc Đội CSGT - Trật tự, CATP Thủ Đức, đề nghị đưa anh Q. về nhà.

Đội CSGT - TT Công an quận Tân Bình tuần tra các tuyến đường, đến khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, lực lượng phát hiện ông Đ. (55 tuổi) là tài xế xe ôm công nghệ chở trái cây nên yêu cầu dừng kiểm tra.

Sau một hồi lúng túng, ông trình bày: "Biết chính quyền TP hạn chế người ra đường để phòng chống dịch Covid-19, tui cũng nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng mấy ngày nay nghỉ giao hàng rồi đói, nay phải chạy cuốc nhận hàng bên ngoài, lấy trái cây cho cụ bà hàng xóm để bán, nhận tiền công 80 ngàn đồng. Xe tải khó vào giao, tui phải ngồi đợi một tiếng rưỡi mới nhận được hàng để chạy về thì quá giờ quy định". Tổ công tác Công an quận Tân Bình đã chia sẻ với lý do được ông trình bày, xếp lại biên bản và chỉ nhắc nhở.

Cũng tại vị trí trên, Tổ CSGT Công an quận Tân Bình đã nhắc nhở anh V. (40 tuổi). Người này trình bày lý do ra đường sau 18 giờ là đi lấy bình oxy cho con trai đang bị ung thư gan, bệnh viện đã trả về. Chiều nay con khó thở, bình oxy ở nhà đã cạn nên ông phải liều chạy xe đi đổi bình. Sau khi nghe ông nói, Tổ CSGT Công an quận Tân Bình đã động viên ông khẩn trương về với con.

Hơn 20 giờ, tổ công tác tuần tra trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh), phát hiện chị T. (ngụ Q.Gò Vấp) đang di chuyển trên đường nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Chị T. cho biết tối cùng ngày, sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, chị có nhiều biểu hiện mệt mỏi, khó thở. Do nhà chỉ có 2 mẹ con nên một mình chị đã chạy đến Bệnh viện 175 để khám. Tuy nhiên, thời điểm đó bệnh viện ngưng tiếp nhận bệnh nhân nên chị đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định và cũng đành quay về. Sau một hồi cân nhắc về trường hợp này, lực lượng chức năng quyết định không xử phạt mà tiến hành nhắc nhở chị T. nên lưu ý giờ giấc ra đường.

Đến gần 21 giờ, tổ công tác dừng lại tại một chốt kiểm soát trên đường Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh). Thời điểm này, cán bộ chiến sĩ tiến hành xử lý ông G. (ngụ P24, Q.Bình Thạnh) về hành vi ra ngoài trong trường hợp không thật sự cần thiết. Người đàn ông này bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng phượng tiện để kiểm tra lúc hơn 19 giờ. Trước đó, ông G. điều khiển xe máy đi trên đường, có treo mũ bảo hiểm trên xe nhưng không đội. Xác định lý do ra đường không chính đáng, lực lượng chức năng quyết định lập biên bản vi phạm hành chính đối với người đàn ông này.

Đội CSGT - Trật tự (khu vực 1) Công an TP.Thủ Đức kiểm soát xuyên đêm

Những ngày theo chân các Tổ tuần tra, chúng ghi nhận đa phần người dân thành phố đã chấp hành. Sau 18 giờ của đêm đầu tiên hạn chế ra đường, vi phạm nhiều nhất vẫn tập trung ở những người giao hàng. Tuy nhiên, lực lượng của các quận, huyện cảm thông với những lý do vì miếng cơm manh áo trong tình cảnh khó khăn vì dịch Covid-19, chưa hiểu hết quy định nên ngày đầu tiên chỉ nhắc nhở, cảnh cáo.

Để dân tin, yêu hơn

Trước giờ phát lệnh xuất quân, thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an Q.Bình Thạnh không quên nhấn mạnh về tầm quan trọng của nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong giai đoạn TP bước vào trạng thái mới. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng, cá nhân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm khắc phục khó khăn để tập trung tổng lực triển khai đồng bộ, hiệu quả vừa nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, vừa thực hiện có hiệu quả giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của CATP và UBNDTP. Tuy nhiên, bên cạnh việc nghiêm khắc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chống đối người thi hành công vụ, cần phải linh động xử lý sao cho hài hòa giữa sự nghiêm minh và tính nhân văn, tạo niềm tin cho người dân.

Xuyên đêm hỗ trợ 300 công nhân về quê tránh dịch

Đêm 26 rạng sáng 27-7, hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc Công an TPHCM, Bộ tư lệnh TPHCM, Công an tỉnh Long An cùng đội ngũ y tế đã làm việc xuyên đêm để kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đối với hơn 300 người dân về quê tránh dịch bị "kẹt" tại cửa ngõ TPHCM đi Long An.

Lực lượng Công an lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại chỗ để người dân nhanh chóng được về quê

Nguyên nhân, do thời điểm này cả TPHCM và tỉnh Long An đã thực hiện "khóa chặt" các cửa ngõ, kiểm soát chặt chẽ người dân ra đường trong trường hợp không thực sự cần thiết, không nằm trong danh mục 5 đối tượng được ưu tiên di chuyển. Do về quê tránh dịch nên người dân mang hành lý lỉnh kỉnh và để tránh lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng, Long An và TP.Hồ Chí Minh đã sử dụng xe chuyên dụng chở người, xe máy, hành lý của người dân về các tỉnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang