(CATP) Dữ liệu mới công bố hôm thứ ba, 08-11-2022, cho thấy bắt đầu từ năm 2030 sẽ cần khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia đang phát triển cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo báo cáo do Chính phủ Ai Cập cùng vương quốc Anh đồng ủy thác, được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (KH) của Liên hợp quốc mới đây (COP27), số tiền mặt trên rất cần thiết để các nước nghèo có thể chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp khác, đồng thời đối phó với tác động của thời tiết khắc nghiệt. Số tiền này cao hơn nhiều so với bất kỳ nguồn tài trợ KH nào dành cho các nước nghèo.
Báo cáo nêu rõ: "Khoảng một nửa số tài chính cần thiết có thể kỳ vọng từ các nguồn địa phương và việc tăng cường tài chính công cùng các thị trường vốn trong nước, bao gồm cả việc khai thác những nguồn tài chính lớn của địa phương mà các ngân hàng (NH) phát triển quốc gia có thể huy động". Tuy nhiên, nguồn tài chính từ bên ngoài, cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) và các NH phát triển đa quốc gia khác, phải đóng vai trò then chốt.
Nicholas Stern - chuyên gia kinh tế học về KH - năm 2006 từng viết bài đánh giá mang tính bước ngoặt về tính kinh tế của tình trạng BĐKH, tác giả chính của báo cáo - cho biết: "Các quốc gia giàu có nên nhận ra rằng việc đầu tư vào hành động KH ở thị trường mới nổi và các nước đang phát triển là vì lợi ích sống còn của chính họ, đây cũng là vấn đề công lý do tác động nghiêm trọng từ lượng khí thải cao hiện nay và trong quá khứ mà họ gây ra".
Cũng theo ông: "Hầu hết sự tăng trưởng về cơ sở hạ tầng năng lượng và tiêu thụ dự kiến xảy ra trong thập kỷ tới sẽ thuộc về thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển, nếu họ tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và khí thải, thì thế giới sẽ không thể tránh khỏi tình trạng BĐKH nguy hiểm, gây thiệt hại đồng thời hủy hoại hàng tỷ mạng sống lẫn sinh kế cả ở các nước giàu lẫn nước nghèo".
Việc tài trợ cho tăng trưởng kinh tế thải ra lượng carbon thấp ở các nước nghèo sẽ giúp đưa hàng tỷ người thoát nghèo, tạo ra nhiều việc làm và giảm phát thải khí nhà kính. Số tiền này cũng cần thiết để giúp các nước nghèo thích ứng với tác động của khủng hoảng KH, có thể bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh hơn và các biện pháp bảo vệ như tường chắn sóng cùng hệ thống cảnh báo sớm.
Đối với những tác động nghiêm trọng nhất của BĐKH, mà các quốc gia không thể thích ứng, số tiền này sẽ giúp cứu trợ những trường hợp gặp rủi ro, sửa chữa cơ sở hạ tầng quan trọng và giúp hàn gắn kết cấu xã hội qua những dịch vụ như y tế, giáo dục... của các quốc gia bị thời tiết khắc nghiệt hoành hành, gồm lũ lụt, hạn hán, bão gió, sóng nhiệt tàn phá, mà có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn do tình trạng biến đổi nghiêm trọng của KH.
Nhà máy năng lượng mặt trời Cerro Dominador ở sa mạc Atacama, Chile Ảnh: Getty
Mất mát và thiệt hại là một trong những ưu tiên chính trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập. Từ năm 2009, các nước nghèo được hứa rằng đến năm 2020 họ sẽ nhận được ít nhất 100 tỷ đôla mỗi năm để giúp cắt giảm lượng khí thải và đối phó với những tác động của thời tiết khắc nghiệt. Nhưng mục tiêu đó nhiều lần bị lỡ và khó có khả năng hoàn thành cho đến năm sau.
Lord Stern nhấn mạnh: "Do áp lực về ngân sách công ở mọi quốc gia, vai trò của các NH phát triển đa quốc gia, gồm cả WB, sẽ trở nên quan trọng trong việc tăng cường quy mô nguồn tài trợ từ bên ngoài cho thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, đồng thời giảm chi phí vốn cho các nhà đầu tư. Dòng tài chính từ các tổ chức này sẽ tăng gấp ba lần, từ khoảng 60 tỷ đôla/năm hiện nay lên khoảng 180 tỷ đôla/năm trong vòng 5 năm tới. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo mạnh mẽ từ cấp cao nhất của các tổ chức liên quan...".
Được biết WB sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận tại COP27. Những tháng gần đây, tổ chức này bị chỉ trích ngày càng nhiều vì không cung cấp đủ tài chính để đối phó với khủng hoảng KH.
PHẠM HỒNG (theo Guardian)